Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2021 khép lại với nhiều băn khoăn và nghi vấn. Các chuyên gia cho rằng, 12 dự án giành giải nhất năm nay nghiên cứu về phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ, điều trị ung thư… có thể là tiêu đề cho các luận án tiến sĩ, thậm chí là dự án nghiên cứu chuyên sâu cấp bộ hay cấp quốc gia, mà học sinh không thể thực hiện được.

Tiến sĩ, bác sĩ, giảng viên Nguyễn Đình Chính cho rằng, Bộ GD&ĐT nên rà soát lại kết quả của cuộc thi. Các đề tài ở các nhóm lĩnh vực này đều vượt quá sức với học sinh trung học. Những nguyên lý cơ bản trong Vật lý, Sinh học, Hoá học, Cơ học... các em chưa hiểu hết chứ đừng nói những dự án to lớn mang tầm quốc gia như vậy.

Với kinh nghiệm hơn 14 năm nghiên cứu hoá - y - sinh, ông Chính thẳng thắn, nếu giao các đề tài nghiên cứu khoa học như điều trị ung thư, xơ vữa động mạch, phân giải thuốc, phân bổ thuốc, cảm biến sinh học, phân tích hệ gen… cho nhiều học viên cao học mà ông đang hướng dẫn, chưa chắc họ có thể tự làm được. Họ thậm chí cũng e dè, giảng viên phải cầm tay chỉ việc, tận tình hướng dẫn từ 1 - 2 năm may ra mới hoàn thành được nói gì tới học sinh THPT 16, 17 tuổi.

Theo ông Chính, giáo dục quan trọng nhất là trung thực. Dạy trung thực, học trung thực, kiểm tra trung thực và nghiên cứu không ngoại lệ, rất cần sự trung thực. Nếu ngay trên ghế nhà trường, thầy cô không trung thực thì sẽ kéo theo học sinh, kết quả dạy học, kết quả kiểm tra đánh giá làm sao có thể thực chất.

Căn cơ của việc không trung thực là bệnh thành tích và điểm số. Người lớn chạy theo giải thưởng để đạt thành tích tốt, được cấp trên khen thưởng; học sinh cũng vô tình bị cuốn theo để được cộng điểm, được ưu tiên xét tuyển thẳng vào đại học. Cứ thể, cuộc thi khoa học kỹ thuật từ một sân chơi tốt trở thành nơi thao túng thành tích, nơi những kẻ không trung thực lợi dụng đạt được những mục đích cá nhân.

"Giả sử, chúng ta bỏ quy định cộng điểm cho thí sinh và bỏ xét thành tích cho giáo viên khi tham gia sân chơi này thì liệu rằng có bao nhiêu thí sinh thực sự muốn tham gia tranh tài?", tiến sĩ Nguyễn Đình Chính đặt câu hỏi. Ông cho rằng, thầy cô, phụ huynh đang can thiệp quá sâu vào sân chơi dành cho học sinh. Hãy để cho trẻ đến với khoa học bằng những điều giản đơn nhất, không màu mè, không "đao to búa lớn" và không gian dối.

Đồng quan điểm, theo tiến sĩ Lê Văn Út (Đại học Tôn Đức Thắng), việc tạo sân chơi cho các em lứa tuổi THPT để nuôi dưỡng đam mê khoa học là chuyện nên làm. Nhưng nếu chúng ta nâng hoạt động này lên mức như nghiên cứu thực thụ thì có thể dẫn tới hậu quả các em nhỏ dễ ngộ nhận về nghiên cứu khoa học và không tốt cho các em.

Có nhiều vấn đề trong thực tiễn cuộc sống mà các em học sinh THPT hoàn toàn có thể tiếp cận và khám phá được, nhưng với những vấn đề nghiên cứu quá chuyên sâu việc tiếp cập ở lứa tuổi của các em là chưa phù hợp. Khi các em được hướng dẫn và thực sự tham gia thực hiện thì sẽ cảm nhận được vai trò, tự hào với những đóng góp của bản thân, hơn là được “dọn sẵn” để rồi chỉ việc cố gắng “tiêu hóa” nhằm trả lời trôi chảy trước ban giám khảo cuộc thi.

Ông Út chỉ ra 3 vấn đề cần được quan tâm. Thứ nhất, về tiêu chí đánh giá, phải làm sao để các em chỉ cần áp dụng những nội dung trong chương trình học hoặc có thể tham khảo thêm những kiến thức nâng cao nhưng vừa sức. Tránh việc các em phải sử dụng đến những kiến thức chuyên sâu ở các bậc học cao hơn mà các em chưa từng được học và nếu muốn tự trang bị thì cũng rất khó khăn.

Thứ hai, việc giới hạn các lĩnh vực và lĩnh vực chuyên sâu cần được xem xét lại cẩn thận. Nếu làm không khéo thì các cuộc thi về khoa học và kỹ thuật dễ bị biến tướng. Các giới hạn này đặt ra để các tiêu chí đánh giá không vi phạm theo hướng “vượt khung”.

Ví dụ, giới hạn lĩnh vực chuyên sâu gồm gen và di truyền, hóa - sinh - y, hóa - sinh cấu trúc, chẩn đoán và điều trị trong y học, phát triển và thử nghiệm dược liệu, dịch tễ học, sinh lí học và bệnh lí học, kỹ thuật tế bào và mô, năng lượng hạt nhân, kĩ thuật hàng không và vũ trụ, vật liệu nano, vi trùng và kháng sinh, thiên văn học và vũ trụ học, vật lí nguyên tử, vật lí hạt cơ bản và hạt nhân, lí thuyết điều khiển, kiểm định thuốc …(trích trên website của Bộ GD&ĐT) thì sẽ khó chỉ dừng ở mức “nuôi dưỡng đam mê” mà đòi hỏi các em phải làm việc như những nhà khoa học thực thụ với thiết bị tối tân và các nguồn lực rất mạnh. Khi đó, chắc chắn rằng mục tiêu chỉ tạo sân chơi sẽ không còn nhiều ý nghĩa, mà rất có thể sẽ là “sàn đấu” của các chuyên gia đứng phía sau.

Thứ ba, quyền lợi của học sinh khi đạt giải cần xem xét lại cẩn thận hơn. Khi những giải thưởng mang về quyền lợi to lớn, có ý nghĩa quyết định sự nghiệp thì rất có thể phụ huynh, học sinh sẽ dốc sức và có khi phải bằng “mọi giá” để đạt được. Nếu các giải thưởng chỉ dừng lại ở mức độ động viên, khuyến khích thế hệ trẻ nuôi dưỡng đam mê thì chắc chắn rằng sân chơi này sẽ thật sự là sân chơi tốt./.