Liên quan đến vụ nước sinh hoạt có mùi khét do nhiễm dầu bẩn ở Hà Nội, ngày 16/10, Cty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà có văn bản gửi khách hàng về việc tiếp tục tạm ngừng cấp nước để súc xả tuyến ống truyền tải và chưa rõ thời gian cấp trở lại. Như vậy là hàng vạn hộ dân, cả triệu người tiếp tục bị ảnh hưởng do vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu và styren những ngày qua.

nc5_caph.jpg
Hình ảnh "kinh điển" khi hàng trăm người tay xô, chậu, can, nồi....xếp hàng đợi khi xe téc chở nước đến và chờ đến lượt có được ít nước sạch mang về sử dụng.

Sau khi Hà Nội khuyến cáo người dân không nên sử dụng nước sạch do Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) để sử dụng trong ăn, uống, nhiều người dân bất an vì không nắm rõ nước sạch sông Đà cũng cấp cho những khu vực nào của TP Hà Nội.

Chưa có con số thống kê cụ thể

Trong báo cáo thường niên năm 2018, Viwasupco cũng cho biết công ty hiện cấp nước cho toàn bộ phía Tây Nam TP Hà Nội gồm các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số quận nội thành TP Hà Nội; một số khu vực khác thuộc Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Cũng tại báo cáo này, 90% tổng lượng nước của Viwasupco được bán cho 3 khách hàng chính bao gồm Công ty cổ phần Viwaco (Viwaco), Hawaco và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông.

Khung cảnh "xếp hàng chờ nước" ở các tòa nhà chung cư ở Hà Nội khi nguồn nước sạch Sông Đà bị dính dầu và có "mùi lạ".

Tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, phạm vi cấp nước của Viwasupco gồm: Khu đô thị vệ tinh phía Tây Hà Nội (Sơn Tây, Láng Hòa Lạc và Xuân Mai); đô thị sinh thái (Phúc Thọ, Quốc Oai và Chúc Sơn); dọc theo trục đường Láng - Hòa Lạc; đô thị trung tâm phía Tây Nam Hà Nội (từ vành đai 3 đến vành đai 4 và khu vực nông thôn liền kề).

Theo kế hoạch bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2019 trên địa bàn TP Hà Nội được Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng ký ngày 23/7/2019, nguồn cấp từ nhà máy nước mặt sông Đà do Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) quản lý với lưu lượng cấp cho Hà Nội trung bình khoảng 250.000-260.000m3/ngày đêm trên tổng công suất Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm (có thể nâng công suất lên 330.000m3/ngày đêm).

Thùng, can, xô, chậu đều được người dân sử dụng tối đa để hứng nước.

Một trong những đối tác của của phía Viwasupco là Viwaco. Hiện Viwaco đang quản lý, cung cấp dịch vụ cấp nước cho hơn 147.000 khách hàng tại khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì. Chủ yếu nguồn nước của Viwaco bán cho người dân là sử dụng của sông Đà với công suất cấp 200.000-210.000 m3/ngày đêm.

Một đối tác lớn khác của Viwasupco là Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông. Công ty này hiện cung cấp nước cho hơn 150.000 khách hàng, năm 2019 sẽ tăng lên khoảng 165.000 khách hàng tại khu vực quận Hà Đông, một phần quận Nam Từ Liêm, một số xã của huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Ứng Hòa.

Dân nghi bị bệnh ngoài da, đường ruột do nước bẩn

Kể từ khi nước máy sông Đà có mùi lạ, người dân ở khu vực các tòa nhà HH Linh Đàm cũng xuất hiện bệnh về ngoài da, đường ruột, tiêu chảy, đau mắt đỏ....

Cư dân "nhí' khu HH Linh Đàm tham gia hứng từng xô nước sạch mang về nhà.

"Nguồn nước của gia đình tôi qua máy lọc nhưng vẫn còn mùi lạ, và khi đun nước sôi để uống thì vẫn không hết. Đây có thể là nguyên nhân khiến hai bố con tôi bị ho, đau họng. Tôi mong cơ quan chức năng sớm thông báo nguyên nhân, nước bị nhiễm chất gì, có ảnh hưởng đến sức khỏe không, ảnh hưởng như thế nào để người dân được biết", anh Thân Thế Linh ở HH2A Linh Đàm cho biết.

Cùng đó, bà Lâm Thị Gái (trú tại tòa nhà HH2C) vẫn chưa hết sự mệt mỏi vì hai cháu nhỏ mới bị bệnh tiêu chảy, nôn khi ăn, uống.

"Bé trai lớn 6 tuổi và bé gái 2 tuổi đều bị sốt và khi ăn, hay uống nước máy sông Đà đã qua máy lọc thì đều bị nôn, tiêu chảy, khiến mọi người trong gia đình tôi rất lo lắng", bà Gái nói và cho biết hôm nay, sức khỏe của hai cháu đã ổn hơn.

Việc chờ nhận nước sạch diễn ra thâu đêm ở nhiều tòa chung cư ở Hà Nội những ngày qua.

Theo bà Gái, gia đình nhà bà phát hiện nước có mùi lạ nên họ đã chuyển sang dùng nước máy lọc. Tuy nhiên, nước vẫn không thể hết mùi và khi hai đứa cháu bị bệnh khiến mọi người nghi ngờ có thể là do nguồn nước hoặc thời tiết.

Chia sẻ về tình trạng trên, anh Nguyễn Đỗ Hải, Ban đại diện cư dân HH1B cho biết, những ngày vừa qua khi nước máy sông Đà có mùi lạ, ở nơi đây cũng bắt đầu xuất hiện các bệnh như tiêu chảy, ghẻ lở....đối với đa phần các cháu nhỏ ở trong khu HH. Người dân với tâm lí lo lắng nên ai cũng mong muốn lấy được nhiều nước sạch mang về vì lượng nước có hạn.

"Nhiều cháu bị đau mắt, da chân tay khô...đây có thể là nguyên nhân do nước máy bị ô nhiễm", anh Hải chia sẻ.

Theo anh Hải để giải quyết tình trạng này, trước mắt, cơ quan chức năng chính quyền cần thông tin cho người dân về chất lượng nước máy của Công ty sông Đà đang cung cấp.

"Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm công bố thông tin nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân đi khám sức khỏe, thau rửa bể nước...", anh Hải chia sẻ.

Được biết, hôm nay (16/10) Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ nguồn nước sạch sông Đà bị ô nhiễm và việc cung cấp nước có mùi lạ cho dân./.