Trước tình trạng khan hiếm nước sạch tại khu du lịch quốc gia Sa Pa (tỉnh Lào Cai) khiến cuộc sống của người dân cùng hoạt động kinh doanh du lịch của các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn bị đảo lộn, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đang khẩn trương đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt và lâu dài của khu du lịch này.

vov_nuocsach1_ctuj.jpg
Nhà máy nước sạch Sa Pa rơi vào khủng hoảng khi các nguồn khai thác đều cạn.

Theo cơ quan chức năng huyện Sa Pa, câu chuyện thiếu nước sạch tại Sa Pa không phải bây giờ mới phát sinh mà trước kia cũng đã từng xảy ra, nhất là vào thời điểm khô hạn, nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Ông Lê Tân Phong, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết, trước mắt, số nước khai thác được của Sa Pa chỉ còn đáp ứng được 50% so với trước, do đó sẽ tập trung giải quyết cho nhu cầu sinh hoạt của người dân qua hình thức cấp nước luân phiên và cấp theo giờ.

Về phía các nhà hàng khách sạn, đối với các cơ sở lớn đầu tư bài bản đều có hệ thống dự trữ nước, các cơ sở nhỏ lẻ còn lại nếu không đủ điều kiện đáp ứng thì huyện cũng khuyến cáo không nên đón khách trong dịp này.

Ông Lê Tân Phong cho biết: "Hiện, nhu cầu nước cho Sa Pa phần lớn phục vụ kinh doanh nhưng trước mắt không thể đáp ứng, chỉ có thể cung cấp cơ bản cho sinh hoạt bằng hình thức cấp luân phiên, người dân cũng cần tiết kiệm dự trữ. Trong trường hợp thiếu nước huyện sẽ có phương án cấp nước bổ sung bằng xe téc".

Khan hiếm nước sạch khiến nhiều người dân tại Sa Pa phải mua nước bên ngoài với giá đắt.

Theo ông Trịnh Xuân Trường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải – Xây dựng tỉnh Lào Cai, từ nhiều năm trước, vấn đề cung ứng nước sạch cho khu du lịch Sa Pa đã được đặt ra khi Nhà máy nước hiện tại đang tỏ ra kém hiệu quả trước việc các nguồn nước ngày một khô cạn.

Vào năm 2012, một phương án xây dựng Nhà máy nước mới đã xây dựng khi các đơn vị khảo sát phát hiện có một nguồn nước dồi dào tại suối Vàng. Tuy nhiên, vị trí này lại nằm trong vùng rừng lõi của Vườn Quốc gia Hoàng Liên nên việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trịnh Xuân Trường cho biết: "Đến thời điểm này, các khó khăn, vướng mắc cơ bản đã được tháo gỡ. Khả năng đến trung tuần tháng 6 sẽ hoàn thành lựa chọn xong nhà đầu tư và sẽ lựa chọn việc thiết kế, thẩm định. Đến quý III/2019 có thể triển khai thi công, dự kiến trong vòng 9 tháng đến 1 năm mới có thể xong vì địa hình hết sức phức tạp, tổng cộng 11km đường ống dẫn từ đỉnh Hoàng Liên xuống".

Ông Trường cho biết thêm, nhà máy mới sẽ có tổng hiệu suất cung ứng 15.000m3/ngày đêm, chia làm hai giai đoạn, khi hoàn thiện sẽ có thể giải quyết triệt để nhu cầu sử dụng nước sạch tại Sa Pa. Còn trước mắt, bắt buộc phải áp dụng các giải pháp tình thế./.