Từ nhiều tháng nay, gia đình bà Bùi Thị Thủy và hàng trăm hộ dân xã Trung Sơn, huyện Gio Linh ở dọc bờ Nam sông Bến Hải rất bức xúc trước tình trạng khai thác cát sạn trái phép diễn ra 1 cách công khai, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và cuộc sống của người dân.

Bà Thủy cho biết: “Máy của họ đưa vào hút sát bờ sông, gây sạt lở đất nhà tôi quá nhiều. Mẹ tôi ra nói thì họ đòi ném đá”.

song_ben_hai_xbtp.jpg
Sông Bến Hải đang bị đục khoét bởi nạn cát tặc hoành hành nhiều năm nay gây sạt lở đất của dân (Ảnh: Dân Việt)

Theo phản ảnh của người dân, cứ khoảng 2 - 3 giờ sáng đến 1 giờ chiều, những chiếc sà lan có gắn động cơ thay nhau hút cát sạn trên sông, gây sạt lở hàng chục điểm dọc 2 bờ. Có nơi sạt lở hơn 30m.

Ông Trần Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, huyện Gio Linh cho biết: “Ủy ban nhân dân xã đã có đề xuất, kiến nghị lên các ban ngành cấp huyện, nhưng tình trạng khai thác vẫn diễn ra, đặc biệt nằm ngoài khu vực của Ủy ban tỉnh Quảng Trị cho phép khai thác”.

Tại khu vực sông Bến Hải có 2 công ty được UBND tỉnh Quảng Trị cấp phép khai thác cát sạn. Đó là Công ty Đào Dương và Công ty Nam Việt Đức. Thời gian gần đây, 2 doanh nghiệp mở rộng phạm vi khai thác tại những nơi chưa được cấp phép.

Để chấn chỉnh tình trạng này, mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã lập đoàn đi kiểm tra và yêu cầu 2 công ty nghiêm túc thực hiện các quy định như: tổ chức treo biển, số hiệu, đăng ký khối lượng tàu thuyền tham gia khai thác, vận chuyển cát để chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát.

Các ngành chức năng phối hợp với UBND các xã triển khai cắm biển các khu vực cấm khai thác, đồng thời phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát sạn trên sông Bến Hải. 

Ông Nguyễn Thanh Lợi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị cho biết: “Sông Bến Hải liên quan đến huyện Gio Linh và huyện Vĩnh Linh, đòi hỏi phải có sự phối hợp của lực lượng của 2 huyện mới xử lý được vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát, nếu như 2 công ty đó tiếp tục khai thác trái phép thì sẽ rút giấy phép theo quy định của pháp luật”./.