Trong khi đó, các cơ quan liên quan lại cho rằng nguyên do là thuộc tỉnh Bình Dương nên chưa giải quyết được. Đây là trọng tâm trong buổi thảo luận tại tổ chiều nay (4/7) của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

bb1_vov_ebip.jpg
Dòng nước kênh Ba Bò đen ngòm như "dòng sông nhựa đường".

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm phản ánh, 10 năm qua, tình hình ô nhiễm môi trường ở kênh Ba Bò vẫn chưa được giải quyết. Ban Quản lý cải tạo kênh Ba Bò thuộc trung tâm chống ngập thành phố cho rằng nguyên nhân là do nguồn nước thải từ các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương, nên trách  nhiệm thuộc về tỉnh Bình Dương. Đại biểu Trâm cho rằng đó là cách trả lời “vô cảm với nỗi khổ của người dân”.

Cùng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thanh Nhân ở quận Thủ Đức cho biết: Vấn đề ô nhiễm kênh Ba Bò đã được nêu ra nhiều lần. Trong kỳ họp Hội đồng Nhân dân năm ngoái, Trung tâm điều hành chống ngập thành phố cũng đã đưa ra lời hứa là cuối năm 2016 sẽ hoàn thành dự án cải tạo kênh Ba Bò. Tuy nhiên, đến hơn nửa năm 2017 dự án vẫn chưa hoàn thành.

Theo đại biểu Huỳnh Thanh Nhân, dự án này hoàn thành cũng chỉ là hệ thống lắng, lọc và thoát nước đi nhanh hơn, quan trọng là sự phối hợp giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương còn lỏng lẻo.

Cận cảnh mọt miệng cống xả nước đen ngòm vào kênh Ba Bò.

“Ở đây chủ yếu là các doanh nghiệp ở Bình Dương xả thải ra kênh Ba Bò. Vì vậy mà chúng ta phải phối hợp làm sao quản lý cho được việc các đơn vị này vận hành hệ thống nước ghải khi xả ra kênh Ba Bò. Nếu chúng ta không có sự phối hợp chặt chẽ thì bỏ ra một nguồn vốn lớn cũng không đạt hiệu quả”, đại biểu Nhân nói.

Trả lời các đại biểu, Ông Hoàng Cảnh Dương, chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh đã có ký kết liên tịch về việc giám sát môi trường tại kênh Ba Bò. Ở hai khu vực Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.

Qua quan trắc và khảo sát của 2 sở cho thấy tình trạng ô nhiễm tại kênh không phải là do các khu công nghiệp xả thải mà là do nước xả sinh hoạt của cư dân xung quanh. Tỉnh Bình Dương cũng đã xây dựng dự án để thu gom nước thải của thị xã Dĩ An và thị xã Thuận An. Sau khi 2 dự án này xong, vấn đề xử lý nước thải tại kênh Ba Bò sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề kiểm soát nước thải sinh hoạt của khu vực dân cư sống xung quanh khu vực còn nhiều khó khăn.

“Đã trao đổi với Bình Dương nhiều bên cạnh vấn đề nước thải của cư dân hiện nay chưa có giải pháp nhưng đối với các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư thì đề nghị Bình Dương tăng cường kiểm soát. Đối với khu Sóng thần 1, Sóng thần 2 thì tăng cường kiểm soát bên cạnh hệ thống quan trắc kiểm tra tự động của họ”, ông Hoàng Cảnh Dương cho biết.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân đặt câu hỏi: Căn cứ vào yếu tố nào để biết rằng ô nhiễm kênh Ba Bò là do nước thải của khu dân cư? Những chất gì trong nước thải gây ô nhiễm? Đơn vị này đã lấy mẫu chưa, xác định chính xác chưa?.. Tuy nhiên, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường chưa trả lời thấu đáo.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu: Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường và Giám đốc Trung tâm điều hành chống ngập ngày mai phải có mặt tại cuộc họp Hội đồng Nhân dân để thông tin đến các đại biểu và giải trình lý do vắng mặt trong buổi thảo luận tổ về các vấn đề liên quan./.