Tại hội nghị tổng kết 5 năm công tác bảo vệ môi trường nông thôn (2003-2008) tổ chức tại Hà Nội, ngày 22/10, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề ra các nhiệm vụ trọng tâm: các cấp Hội thường xuyên theo dõi, nắm chắc thực trạng môi trường ở địa phương; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông về môi trường cho cán bộ, hội viên; xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường; phát động phong trào nông dân thi đua phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động tham gia vào các chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường nông thôn; đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường...Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã biểu dương các cấp Hội Nông dân trong cả nước đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, nông dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực nông thôn. Phó Thủ tướng cho rằng, việc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo vệ môi trường là việc làm cần thiết, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân và cộng đồng dân cư ở nông thôn đối với việc bảo vệ môi trường.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các cấp Hội cần tìm mọi cách để khắc phục những hạn chế đang tồn tại trong các vùng nông thôn nước ta, đồng thời rà soát và xác định rõ trạng thái nhận thức của nông dân trước những vấn đề môi trường và bảo vệ chính mình để có phương hướng tuyên truyền, vận động cụ thể. Phó Thủ tướng đề nghị Trung ương Hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để vừa làm tốt công tác quản lý, vừa tuyên truyền có hiệu quả, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của người nông dân trong công tác bảo vệ môi trường. Trung ương Hội cần huy động các nguồn lực để xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường nông thôn, tiến tới thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; cần giúp nông dân xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi và tại các gia đình để tránh ô nhiễm tới môi trường, nguồn nước. Phó Thủ tướng đề nghị hàng năm Trung ương Hội cần tổ chức tổng kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm; lồng ghép các mô hình, dự án của Hội. Trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, các cấp Hội cần đặt mục tiêu chất lượng cuộc sống gắn với lợi ích kinh tế của người dân, có như vậy hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn mới đạt hiệu quả tích cực... Theo báo cáo của Trung ương Hội: 5 năm qua các cấp Hội đã xây dựng được nhiều chương trình, dự án về cấp nước sạch và bảo vệ môi trường nông thôn ở khắp các cơ sở Hội, góp phần cùng cả nước nâng tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh lên 51%, tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi là 32% và 10% số làng nghề được xử lý chất thải, nước thải. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường nông thôn vẫn còn nhiều bất cập, đội ngũ cán bộ vừa yếu, vừa thiếu; ý thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận cán bộ, hội viên, nông dân còn hạn chế. Mặt khác, tổ chức Hội và hội viên, nông dân ở một số cơ sở chưa phát huy vai trò trung tâm lòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, ý thức bảo vệ môi trường cho người dân...Để bảo vệ nguồn nước sạch và môi trường nông thôn, các đại biểu kiến nghị các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai quy hoạch khu dân cư, chú trọng đến hệ thống thu gom, xử lý nước thải, khí thải, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường. Nhà nước cần có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các làng nghề, từng bước giải quyết các nguồn ô nhiễm từ làng nghề. Theo Giáo sư - tiến sĩ Đặng Kim Chi, Viện khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội): để làng nghề Việt Nam phát triển bền vững, cần thiết phải có biện pháp đồng bộ từ chính sách tới giải pháp nhằm quy hoạch lại không gian sản xuất; quản lý tốt vệ sinh môi trường thôn, xóm; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đơn giản, dễ vận hành, chi phí thấp phù hợp với yêu cầu của làng nghề./.