Hợp tác đào tạo truyền thông quốc tế sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập cho các trường đào tạo báo chí. Đây là chủ đề được thảo luận tại Hội thảo “Cơ hội hợp tác đào tạo truyền thông quốc tế” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với ĐH Middlesex (Vương quốc Anh) tổ chức sáng 11/3.

Trong những năm gần đây, nền báo chí Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng và chiều sâu. Tính đến tháng 3/3012, cả nước có 786 cơ quan báo in với 1.016 ấn phẩm; 67 đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương; 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp. Báo chí không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của người dân mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

hoi-thao.jpg
Đại biểu tham dự Hội thảo

Sự phát triển nhanh chóng của báo chí đi liền với đòi hỏi chuyên nghiệp hóa hoạt động báo chí và đào tạo báo chí. Các cơ sở đào tạo báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đào tạo những phóng viên và biên tập viên có nghiệp vụ tinh thông và đạo đức hành nghề trong sáng.

Hợp tác đào tạo đã trở thành xu hướng tất yếu khi Việt Nam đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế. Việc hợp tác này không chỉ mang lại cơ hội học tập tích cực và trải nghiệm văn hoá cho thế hệ trẻ mà còn góp phần nâng cao uy tín xã hội cho các trường ĐH. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm đào tạo các nhà báo và nhà truyền thông chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của xã hội trong thời kỳ toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.  

PGS.TS Tường Duy Kiên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học được coi là định hướng và giải pháp chiến lược nhằm nâng cao chất lượng đào tạo báo chí truyền thông trong thời kỳ toàn cầu hóa. Đây là quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin, tri thức và kinh nghiệm nhằm tìm ra các mô hình, phương thức đào tạo hiện đại và phù hợp với thực tế. Hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các trường ĐH có thể diễn ra nhiều hình thức và ở các mức độ khác nhau.

PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu quan điểm, ở Việt Nam, các chương trình liên kết đào tạo, trong đó có hợp tác truyền thông quốc tế đang được chú trọng quan tâm. Dựa trên nền tảng về đội ngũ chuyên gia, cơ sở vật chất và nhu cầu thực tế của xã hội, nhiều trường ĐH Việt Nam đã hợp tác với các trường ĐH có uy tín của nhiều nước trên thế giới để tổ chức các chương trình đào tạo cấp cử nhân và thạc sĩ. Hợp tác đào tạo truyền thông quốc tế sẽ mang lại những cơ hội học tập tích cực cho thế hệ trẻ.

Việc hợp tác đào tạo báo chí giữa một số trường ĐH Việt Nam với những trường ĐH có uy tín trên thế giới sẽ góp phần thúc đẩy công tác đào tạo báo chí ở nước ta có hiệu quả hơn.

Là trường ĐH uy tín trong lĩnh vực đào tạo báo chí và truyền thông tại Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có khả năng và nhu cầu xây dựng và triển khai chương trình liên kết đào tạo quốc tế.  

Giáo sư Michael Driscoll, Hiệu trưởng ĐH Middlesex cho biết, nhà trường sẽ hợp tác với  Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng như các cơ sở đào tạo báo chí của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo đội ngũ phóng viên, nhà báo có đủ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp./.