Sáng nay (29/11), tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” và tổ chức Hội thảo “Báo chí với chính sách dân tộc”.Thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam" cho ông Nông Quốc Tuấn và ông Hà Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng 3 cá nhân khác trong Ủy ban.Tại Hội thảo, các đại biểu đã làm rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua kênh báo chí, truyền thông đến với đồng bào các dân tộc thiểu số.

bao-chi.jpg
Tiến sỹ Bế Trường Thành, nguyên Phó Chủ nhiệm UBDT: "Cần nắm vững đặc thù của từng vùng dân tộc để có cách tuyên truyền phù hợp"

Ông Bế Trường Thành, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng: Công tác tuyên truyền cho đồng bào dân tộc có nhiều đặc thù, vì vậy mỗi bản tin, bài viết, ảnh đều phải trực quan sinh động, đơn giản, dễ hiểu và đi vào lòng người. Đặc biệt đối với những chính sách lớn liên quan đến đời sống của đồng bào càng cần có sự đầu tư trong cách thức tuyên truyền, cần nắm vững đặc thù từng vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để có cách tiếp cận, tuyên truyền phù hợp; Cần tranh thủ tiếng nói của người già, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nông Quốc Tuấn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng: Báo chí đã góp phần cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Ông Nông Quốc Tuấn nói: “Thực tế cho thấy công tác xây dựng, triển khai tổ chức thực hiện chính sách dân tộc nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng đang đặt ra rất nhiều vấn đề mà để lý giải thấu đáo cần có hệ thống lý luận dẫn đường, chỉ lối. Vì vậy, cần có sự cộng tác trí tuệ, trách nhiệm của đội ngũ cộng tác viên, các cơ quan báo chí, nhất là ở mảng lý luận, tổng kết thực tiễn, phản biện xã hội nhằm góp phần xây dựng hoàn thiện hệ thống các quan điểm lý luận về công tác dân tộc, chính sách dân tộc gắn với những đổi mới trong nội dung, cách thức tuyên truyền theo hướng ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo, phù hợp đặc thù của vùng dân tộc, miền núi”./.