Theo một nghiên cứu khảo sát, đánh giá sai sót thuốc ở khâu chuẩn bị và thực hiện tại 6 khoa của 2 bệnh viện công lập do nhóm tác giả trường Đại học Y dược TPHCM và các cộng sự ở trường Đại học Groningen Hà Lan đã thực hiện trong năm 2015 cho thấy, trong tổng số 5.271 liều thuốc thì có 2.060 liều có sai sót. Tỷ lệ sai sót lên đến 39,1%. Sai nhiều nhất là sai đường dùng thuốc, sai trong chuẩn bị thuốc, sai nhóm thuốc và sai thời điểm dùng thuốc.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, tại một số bệnh viện, có tới 90% sai sót trong các đơn thuốc. Nhiều đơn thuốc có tới 10-12 loại thuốc nhưng trùng biệt dược, gây lãng phí cho bệnh nhân.
Bộ Y tế cho biết, thời gian tới sẽ tập trung triển khai dược lâm sàng, giúp cải thiện sử dụng thuốc hợp lý, qua đó rút ngắn thời gian điều trị. (Ảnh minh họa: KT) |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những sai sót thuốc, như thời điểm bác sĩ kê đơn quá gần với thời điểm bệnh nhân sử dụng thuốc khiến điều dưỡng dễ nhầm lẫn; điều dưỡng phải pha thuốc cho nhiều bệnh nhân 1 lúc cũng tăng nguy cơ nhầm lẫn.
Bác sỹ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, một thực tế hiện nay là đội ngũ dược sỹ lâm sàng trong bệnh viện và các phòng khám ở nước ta chưa được coi trọng; Nhân lực dược vẫn còn thiếu thậm chí nhiều người chưa được đào tạo một cách chuyên sâu. Bên cạnh đó, sự kết nối giữa bác sỹ và dược sỹ còn thấp dẫn đến việc kê đơn thuốc còn trùng, chưa hợp lý, khiến tình trạng kháng thuốc gia tăng.
“Đội ngũ dược sỹ được đào tạo ra chủ yếu để mở nhà thuốc và kinh doanh thuốc chứ chưa phát huy vai trò dược lâm sàng trong bệnh viện và tại các phòng khám. Thực tế đội ngũ dược lâm sàng rất thiếu, yếu. Hiện nay mới chỉ triển khai ở một số bệnh viện lớn tuyến trung ương hoặc rải rác ở bệnh viện tuyến tỉnh”- bác sỹ Trần Văn Phúc nói.
Đẩy mạnh vai trò dược lâm sàng tại các bệnh viện
Bác sỹ Trần Văn Phúc cũng cho biết, hiện nay một số bệnh viện lớn tuyến trung ương đã đẩy mạnh và quan tâm đến dược lâm sàng. Đối với những ca bệnh nặng, khó, một số bệnh viện đã có những hội chẩn dược lâm sàng để tìm phương án điều trị. Điều này giúp cho việc điều trị của các bệnh nhân hiệu quả hơn và đỡ tốn kém.
Theo dược sỹ Trần Nhân Thắng, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai, để giảm tình trạng sai sót trong đơn thuốc, Bệnh viện Bạch Mai đã có sự trao đổi giữa bác sĩ – dược sĩ. Bệnh viện cũng áp dụng một phần mềm ứng dụng cho phép kiểm tra đơn thuốc, qua đó nếu có trường hợp liều dùng chưa hợp lý, đơn thuốc chưa chuẩn sẽ được phát hiện.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times city cho biết, để đảm bảo an toàn thuốc cho người bệnh, bệnh viện đã thực hiện “Dự án tăng cường báo cáo sai sót thuốc” (2015); “Chiến dịch 30 ngày an toàn thuốc” (2016) và triển khai “Tổng chiến dịch Giảm thiểu sai sót thuốc” (2017).
Trước thực trạng hiện nay, Bộ Y tế cho biết, thời gian tới sẽ tập trung triển khai dược lâm sàng giúp cải thiện sử dụng thuốc hợp lý, qua đó rút ngắn thời gian điều trị, giảm chi phí điều trị của bệnh nhân. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực dược sĩ lâm sàng; Tạo các diễn đàn cho các dược sĩ bệnh viện trao đổi thông tin, hướng đến sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả./.
Bán thuốc kháng sinh yêu cầu phải 100% có đơn thuốc
Sở Y tế TP HCM tăng cường giám sát kê đơn thuốc
Kiểm tra việc kê đơn thuốc kháng sinh trong cơ sở khám chữa bệnh