Đây là con số được công bố trong buổi họp báo thông tin nhân Tháng hành động an toàn- Vệ sinh lao động lần thứ nhất năm 2017, do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức chiều nay (24/4), tại Hà Nội.

an_toan_lao_dong_vov_jryp.jpg
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động.

Theo báo cáo Cục An toàn vệ sinh lao động, năm 2016, cả nước xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động làm hơn 860 người chết. Tai nạn xảy ra nhiều nhất trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, khai thác thủy sản, hải sản. Thiệt hại về vật chất, bồi thường thiệt hại, thuốc men, mai táng là gần 180 tỷ đồng.

Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động chết người có hơn 42% do người sử dụng lao động, hơn 17% do người lao động, 40% do các nguyên nhân khác. Các yếu tố gây tai nạn chủ yếu do ngã từ trên cao, điện giật, vật rơi, đổ sập, tai nạn giao thông, máy, thiết bị cán kẹp… Địa phương có số vụ tai nạn lao động nhiều nhất là TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Thanh Hóa…         

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, nhiều vụ tai nạn lao động chết người vẫn chưa được thống kê.

“Hiện nay có khoảng 18 đến 20 triệu lao động trong khu vực có quan hệ lao động, 34 triệu người trong khu vực không có quan hệ lao động. Đây là mảng lớn và rất khó trong quá trình thực hiện. Thanh tra kỹ, báo cáo rõ thì khả năng số người chết và số số tai nạn còn được thống kê cao hơn" - ông Thắng nói.

Do đó, cần lấy phòng ngừa thay cho việc giải quyết hậu quả, trong đó, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động là giải pháp tốt nhất để người lao động biết và phòng tránh được tai nạn lao động.

Tháng An toàn vệ sinh lao động năm nay sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 31/5 với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”. Thời gian tổ chức Lễ phát động vào ngày 6/5./.