Tại tiểu khu 1668 và 1674, thuộc xã Quảng Sơn, huyện Đắc Glong, tỉnh Đắc Nông, hiện trường phá rừng làm nương rẫy vẫn còn nguyên, với những vạt cây đã bị chặt hạ và đốt cháy trơ trọi. Đi sâu vào rừng, nhiều rẫy cà phê, hồ tiêu đã cho thu hoạch, và những vườn mới trồng xen lẫn những gốc cây rừng còn tươi mới.

Bà Hà Thị Tuyết Lâm, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lâm Đồng, dựng lán sinh sống và canh tác tại tiểu khu 1764 mong muốn ngành chức năng địa phương cấp Giấy quyền sử dụng đất một cách rất hồn nhiên: “Khi vào đây tôi mua mảnh đất này do công khai phá của người ta để canh tác. Bởi chúng tôi khó khăn quá nên cứ canh tác sống qua ngày để bớt khó khăn. Cũng mong là nhà nước cấp cho chúng tôi sổ đỏ để canh tác được yên tâm”.

bbb_uejs.jpg
Hàng trăm héc-ta rừng bị người dân đốt phá để làm rẫy. (Ảnh: HQ)

Ông Ngô Quang Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, huyện Đắc Glong, tỉnh Đắc Nông cho biết: Hiện có hơn 100 hộ dân lấn chiếm khoảng 200 hec-ta rừng để canh tác, trong đó nhiều khu vực đã bị lấn chiếm và tự do mua bán, sang nhượng. Riêng hai tiểu khu 1674 và 1668 thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk N'Tao quản lý cũng bị lấn chiếm khoảng 100 hec-ta.

Ông Ngô Quang Sáng cho biết: “Khu vực 1674 và 1668 đã có một số hộ dân lấn chiếm xâm canh từ lâu, đã trồng cây ổn định, quá trình xử lý cũng chưa dứt điểm. UBND xã yêu cầu công ty trồng lại rừng nhưng việc làm cũng chưa triệt để, dẫn đến còn tái lấn chiếm. Vừa rồi UBND xã cũng đã có báo cáo gửi lên UBND huyện yêu cầu công ty Đăk Ntao phải khắc phục hậu quả trồng lại rừng, không thể để các hộ dân lấn chiếm trên diện tích đất mà công ty đang quản lý”.

Theo UBND huyện Đắk Glong, tỉnh Đắc Nông, tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, rồi tự do sang nhượng trái phép diễn ra trong nhiều năm qua. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp.

Xâm canh đất rừng để trồng tiêu tại tiểu khu 1674.

Ông Lê Quang Dần, Phó Chủ tịch cho biết, ngành chức năng địa phương đang tiến hành lập hồ sơ, xin ý kiến của UBND tỉnh để cưỡng chế giải tỏa, thu hồi đất rừng đã bị lấn chiếm và phục hồi đất rừng theo đúng quy hoạch.

Ông Lê Quang Dần cho biết: “Trước tình hình diễn biến về công tác quản lý bảo vệ rừng phức tạp tại các địa bàn của huyện, chúng tôi đã thành lập 4 tổ chốt chặn và sắp tới thành lập thêm 1 tổ nữa trên các lâm phần, đặc biệt là lâm phần của công ty Gia Nghĩa vừa giải thể. Riêng tiểu khu 1674 đã tổ chức 1 tổ chốt chặn ở khu vực người dân đang xâm canh lấn chiếm để hạn chế chuyện phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại khu vực này”.

Tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp rồi sang nhượng trái phép đang diễn ra nhiều nơi ở tỉnh Đắc Nông. Cùng với khu vực giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, hàng nghìn hec-ta rừng và đất lâm nghiệp giáp ranh với tỉnh Bình Phước cũng đã bị hàng trăm hộ dân lấn chiếm. Thậm chí, có cả xóm định cư trong vùng lõi Khu bảo tồn Thiên nhiên Tà Đùng vẫn chưa được bố trí tái định cư, trong khi hàng nghìn hec-ta đất ở Đắc Nông vẫn được bố trí cho doanh nghiệp trồng cỏ nuôi bò./.