Hiện nay cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động, với công suất phát gần 14.500 MW, mỗi năm thải ra khoảng 15,8 triệu tấn tro xỉ, thạch cao và phải sử dụng tổng diện tích bãi thải xỉ khoảng 700 ha. Làm thế nào để xử lý lượng tro xỉ này đảm bảo không gây tác động xấu đến môi trường là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

nd2_vov_evkd.jpg
Bãi chứa tro xỉ tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, hiện nhà máy cũng đã ký hợp đồng với doanh nghiệp thu mua tro xỉ.

Tại nhiều nước trên thế giới, tro xỉ do các nhà máy nhiệt điện thải ra có thể được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng. Trong khi đó, tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng (hoạt động từ năm 2011), xử lý tro xỉ từng là vấn đề rất nóng. Bởi mỗi năm, với sản lượng khoảng 72 tỷ Kwh, lượng than tiêu thụ 3,4 triệu tấn, nhà máy này thải ra khoảng 1 triệu tấn tro xỉ, nếu không xử lý sẽ đầy hồ chứa, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường và nhà máy cũng không thể hoạt động được.

Trong gần 3 năm trở lại đây, nhà máy đã có hợp đồng bao tiêu tro xỉ với 8 đơn vị, đưa đi tiêu thụ làm xi măng và gạch không nung. Ông Nguyễn Thường Quang, Tổng Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng cho biết, hiện tại 100% lượng tro xỉ nhà máy thải ra đã được bao tiêu hết.

“Ở thời điểm này, nếu không có đơn vị bao tiêu thì hồ chứa xỉ đạt khoảng 80%. Khi có đơn vị bao tiêu thì không cần đặt vấn đề mở rộng dung tích hồ xỉ nữa. Hiện nay, nếu tiếp tục khai thác thế này thì đến năm 2020 hồ xỉ của nhà máy chủ yếu là nước. Khả năng tới đây bao tiêu tro xỉ sẽ thực hiện ngay trong nhà máy, không cần chở đến bãi chứa”, ông Quang nói.

Cùng với Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, nhiều nhà máy nhiệt điện ở khu vực phía Bắc như: Nhà máy nhiệt điện Uông Bí, nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, Nhiệt điện Cao Ngạn, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại…tỷ lệ tiêu thụ tro, xỉ đạt gần 100%.

Tuy nhiên, ở khu vực miền Trung, miền Nam, vẫn còn nhiều nhà máy nhiệt điện gặp khó khăn trong việc xử lý tro xỉ. Một số nhà máy nhiệt điện như Vĩnh Tân và Duyên Hải, lượng tro xỉ đang được lưu trữ trong bãi lên tới 3-4 triệu tấn. Nguyên nhân là do tập quán ít sử dụng vật liệu gạch không nung, dẫn đến chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Số lượng các nhà máy xi măng (đơn vị sử dụng tro, xỉ làm nguồn nguyên liệu) ít hơn ngoài khu vực miền Bắc. Chưa kể, khoảng cách vận chuyển tới đơn vị tiêu thụ lớn làm phát sinh chi phí, giá thành cao. Ngoài ra còn do thiếu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, phụ gia xi măng và vật liệu san nền.

Hiện nay lượng tiêu thụ tro, xỉ của tất cả các nhà máy nhiệt điện trong cả nước mới đạt trên 35%. Còn lại, phần lớn vẫn nằm ở các bãi chứa. Theo Quyết định 425/2017 mới đây của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, đến năm 2020 các bãi chứa của nhiệt điện chỉ thiết kế cho 2 năm sản xuất, các nhà máy không được cấp thêm đất để xây bể chứa tro xỉ. Đây là sức ép lớn cho các nhà máy nhiệt điện trong việc xử lý tro xỉ.

Bãi chứa tro xỉ tại nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, phần lớn lượng tro xỉ đã được ký hợp đồng bao tiêu đưa đi làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Giải quyết vấn đề này, theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, quan trọng là phải biến tro xỉ thành nguyên liệu quý để làm vật liệu xây dựng có chất lượng, thì mới có thị trường ổn định, bền vững.

“Muốn như vậy thì Bộ Xây dựng phải ban hành quy chuẩn về tro xỉ, vấn đề này đặt ra từ năm 2015 mà chưa xong. Vấn đề tro xỉ là vấn đề lớn của đất nước. Ngay cả quyết định của Thủ tướng cho phép diện tích bãi chứa tro xỉ trong vòng 2 năm thôi. Như vậy cũng cần 30-40ha, sau đó đầy thì chuyển đi đâu. Nếu không tiêu thụ được gạch thì cũng không thể có đầu ra cho tro xỉ. Cái này cần điều hành quản lý của nhà nước”, PGS.TS Trương Duy Nghĩa phân tích,

Ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, việc sử dụng tro xỉ phụ thuộc vào chất lượng than và công nghệ đốt. Nếu than chất lượng thì tro xỉ chỉ 6-8% còn với than Antraxit của Việt Nam, lượng tro xỉ lên tới 25-30%.

Những tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện hiệu suất cao, cac-bon còn lại trong tro thấp thì dùng trực tiếp cho công nghiệp xây dựng. Còn nếu hàm lượng cao thì phải qua công nghệ tuyển tách bớt cacbon. Về lâu dài cần có cơ chế hỗ trợ và tháo gỡ các vướng mắc.

“Để giải quyết vấn đề tro xỉ cần nhanh chóng ra được quy chuẩn, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản xuất từ tro xỉ. Đồng thời nghiên cứu công nghệ sử dụng tro xỉ, giảm bớt vật liệu nung. Về quản lý nhà nước mong muốn Bộ Tài nguyên Môi trường và các bộ ngành xem xét bổ sung sửa đổi một số quy định chưa thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc quản lý chất thải rắn, giúp giải quyết đồng bộ vấn đề này”, ông Lượng nói.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Dự kiến tới năm 2020 sẽ có thêm 12 dự án nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động, tổng công suất lắp đặt 24.370 MW, tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than. Tổng lượng tro xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện ước khoảng 22,6 triệu tấn/năm.

Rõ ràng cần phải có giải pháp đồng bộ để giải quyết lượng tro xỉ khổng lồ này. Muốn vậy, trước hết, những nhà máy nhiệt điện đầu tư trong giai đoạn tới phải hướng tới công nghệ tiên tiến góp phần giảm thiểu việc tiêu thụ nguyên liệu và phát thải ra môi trường, để các nhà máy nhiệt điện than góp phần vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và không còn là nỗi ám ảnh, lo lắng của người dân./.