Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 25 chiếc cầu treo, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi. Nhu cầu đi lại của người dân qua cầu treo ngày càng cao, nhưng chất lượng của những cây cầu này ngày một giảm.

Theo kiểm tra, khảo sát mới đây nhất của Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa về hiện trạng cầu treo trên địa bàn tỉnh, một số cây cầu có hiện tượng xuống cấp cần được sửa chữa, nâng cấp.

Cầu treo Bến Sắn thuộc xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), qua kiểm tra thực tế, cầu được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1982. Toàn bộ kết cấu thép, chân trụ cổng cầu đều bị han gỉ và ăn mòn nghiêm trọng, có nguy cơ gãy đổ, nhất là vào mùa mưa khi nước sông lên cao tràn qua mặt cầu. Hệ thống cáp chủ bị trùng, cáp phía hạ lưu bị võng lệch so với cáp phía thượng lưu gây nghiêng mặt cầu, mất an toàn khi lưu thông và tiềm ẩn nguy cơ lật mặt cầu. Phần mặt cầu bằng gỗ nhiều tấm đã bị mục.

Hiện trạng mất an toàn của cầu treo Bến Sắn thấy rõ, tuy nhiên, hàng ngày vẫn có hàng trăm lượt người qua lại vì mưu sinh.

cau-4.jpg
Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa về hiện trạng các cây cầu treo tại huyện Lang Chánh 

Trên địa bàn huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) có tổng thể 6 chiếc cầu treo. Nhưng trong quá trình khai thác không được bảo trì, bảo dưỡng nên các cầu bị han gỉ, giảm tuổi thọ của cầu. Tất cả các cầu đều không có hệ thống biển cáo, biển hướng dẫn sử dụng.

Trong 6 cầu trên địa bàn huyện thì có 5 cầu có hệ thống bản mặt cầu xuống cấp, không đảm bảo an toàn trong qúa trình sử dụng. Các cầu thường bị rung, lắc khi sử dụng, gây mất an toàn.

Ở hai huyện miền núi Quan Sơn và Quan Hóa có tổng thể 9 cầu treo đang khai thác. Các cầu treo có kết cấu bằng thép không được vệ sinh, bảo quản thường xuyên, cá biệt có cầu đã bị gãy dầm dọc tại nhiều điểm. Các kết cấu bằng gỗ bị mục, gãy số lượng lớn, có cầu hệ dây lắc ngang không còn tác dụng. Như cầu treo thuộc xã Nam Tiến huyện Quan Hóa, được xây dựng và sử dụng từ năm 1977, đến nay, phần cáp chủ đã bị nổ, chỉ còn chưa đến 1/2 diện tích mặt cắt chịu lực.

Cầu treo tại xã Tam Lư (Quan Sơn) bắc qua sông Lò, hiện nay cũng đang xuống cấp khá nghiêm trọng. Nhiều đoạn ra cầu đã bị đứt, gãy. Cầu cũng không được cảnh báo tải trọng cho phép.

Tại chiếc cầu này đã từng xảy ra tai nạn gây chết người do ván lát cầu bị mục nát. Ông Lò Văn Cứ - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết:  “Năm 2004, cháu bé Lò Văn Thái (học lớp 3) ở bản Ngàm, khi đi qua cầu đã bị lọt qua thanh lát cầu làm bằng gỗ, rơi xuống sông thiệt mạng. Rút kinh nghiệm từ vụ cháu bé rơi, nên từ năm 2009 đến nay, năm nào chúng tôi cũng phải bỏ kinh phí từ 5 - 6 triệu đồng để tu sửa cầu, vì nó xuống cấp quá nghiêm trọng. Chúng tôi mong muốn được Nhà nước xây dựng cho một chiếc cầu cứng thay thế cho chiếc cầu treo này, vì hàng ngày có hàng trăm lượt người, xe máy đi qua cầu. Tới đây, huyện sẽ xây dựng một trường mầm non của xã tại bản Ngàm, nên học sinh và giáo viên phải qua cầu hằng ngày”- ông Cứ nói.

Ông Nguyễn Văn Khiên - Trưởng phòng thẩm định khoa học kỹ thuật - Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa cho hay, nếu tính nhu cầu cần thiết phải có cầu dân sinh tại các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn cao thì Thanh Hóa cần thêm 72 chiếc cầu, trong đó 65 cầu treo và 7 cầu thép.

Một số hình ảnh cầu treo xuống cấp tại Thanh Hóa:

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 25 chiếc cầu treo, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi.

Phần phần của cây cầu bằng gỗ đã bị mục

Nhu cầu đi lại của người dân qua cầu treo ngày càng cao, nhưng chất lượng của những cây cầu này ngày một giảm