Cần có biện pháp chống thất thu thuế trong ngành dịch vụ; ngăn chặn tình trạng khai thác tận diệt thủy hải sản, chuyển đổi nghề nghiệp bền vững cho ngư dân… Đây là những vấn đề được các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh thẳng thắn chất vấn các sở ngành liên quan tại  kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa 13.

Tỉnh Quảng Ninh có hơn 7.500 tàu hoạt động khai thác thủy hải sản nhưng có tới gần 70% là tàu công suất dưới 20CV.

hdnd1a_eqrk.jpg
Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đề nghị xác định rõ trách nhiệm của từng địa phương trong việc quản lý khai thác thủy hải sản
Tàu công suất nhỏ lại chủ yếu hoạt động ven bờ làm cho nguồn lợi thủy sản khu vực này không kịp phục hồi so với tốc độ khai thác. Cùng với đó, một bộ phận ngư dân khai thác theo hình thức tận diệt bằng chất nổ, xung điện, sử dụng lồng bát quái, bơm áp lực, đăng, đáy, cào khai thác nhuyễn thể... khiến nguồn lợi thủy hải sản ngày càng bị cạn kiệt, phá vỡ cân bằng sinh thái. 

Trước chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh Nguyễn Hữu Giang khẳng định, ngành Nông nghiệp đã tích cực phối hợp tuyên truyền thay đổi nhận thức của ngư dân, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, kiểm tra xử lý hơn 1000 vụ vi phạm, yêu cầu tháo dỡ, tịch thu các phương tiện và thu nộp ngân sách trên 3,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều khó khăn từ sự phản ứng tiêu cực của ngư dân; lực lượng kiểm soát mỏng, hoạt động chưa thường xuyên, đồng đều… cũng khiến cho tình trạng khai thác tận diệt vẫn còn rất “nóng”.

Cùng với tiếp tục tăng cường kiểm tra ngăn chặn khai thác tận diệt, ông Nguyễn Hữu Giang nêu giải pháp điều chỉnh cơ cấu nghề nghiệp khai thác, tái tạo nguồn lợi, nhất là kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các trung tâm giống thủy hải sản công nghệ cao, quy mô lớn.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính dự phiên chất vấn HĐND tỉnh Quảng 
"Hiện nay, Bộ NN và PTNT đã đồng tình cho Quảng Ninh xây dựng một khu sản xuất giống nhuyễn thể cấp vùng ở phía Bắc tại Vân Đồn. Chúng tôi đang triển khai theo đúng tiến độ, hết 2019 hoàn thành, tới đây sẽ cơ bản chủ động được nguồn giống", ông Giang cho biết.

Nhiều đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, ngư dân là đối tượng đặc thù nên việc tuyên truyền, vận động cần rất cụ thể, thiết thực. Giải pháp lâu dài là phải ổn định đời sống cho ngư dân sau chuyển đổi nghề, huy động người dân tự nguyện quản lý cùng chính quyền.

Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu phân cấp mạnh mẽ, xác định rõ trách nhiệm của các địa phương trong hỗ trợ chuyển đổi cho người dân.

Đại biểu HĐND, đặc biệt là các địa phương ven biển thẳng thắn chất vấn về thực trạng tận diệt thủy hải sản
"Giải pháp đầu tiên rất quan trọng là tuyên truyền đến ngư dân. Người dân nói chung cũng phải vào cuộc giám sát, vận động lẫn nhau. Có cơ chế chính sách tạo, hướng dẫn chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân, hỗ trợ đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy hải sản, một số trường hợp lên bờ tìm nghề nghiệp khác, chuyển sang dịch vụ. Các chính sách phải tập trung, căn cơ, đồng bộ...", ông Nguyễn Văn Đọc nói.

Từ năm 2018, Quảng Ninh cũng sẽ triển khai chặt chẽ việc cấm khai thác thủy sản tại các vùng biển như vùng lõi Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Bái Tử Long, các khu bảo tồn biển; xây dựng đề án thí điểm thành lập lực lượng kiểm ngư Quảng Ninh, hình thành bộ máy kiểm soát ngay trên các ngư trường khai thác./.