Đường dây nóng về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán 18001567 được thành lập ở cấp Trung ương và các tỉnh dự án đã giúp nhiều nạn nhân được trở về đoàn tụ với gia đình.
Chuyện của 2 chị em bị lừa bán
N.T.A, 13 tuổi và N.T.M, 15 tuổi là hai chị em sống với bố mẹ ở Hà Nội và quen biết và chơi với một chị sinh viên. Một hôm, người sinh viên này rủ các em đi chơi xa. Các em quyết định đi chơi cùng bạn nhưng không hề biết hành trình đã bị thay đổi và đích đến là Trung Quốc.
|
Sau một ngày, người cha không thấy các con đâu, ông đã tìm kiếm khắp nơi. Sau khi hỏi bạn bè của con, người cha đã nghi ngờ con mình bị đưa sang Trung Quốc. Người cha đã báo với công an quận và công an thành phố.
10 ngày sau khi con gái bỏ đi, người cha gọi điện tới đường dây nóng phòng chống mua bán người 18001567 nhờ giúp đỡ. Nhân viên tư vấn đã tiếp nhận thông tin và hướng dẫn ông điền thông tin vào đơn và trình tới Cục Cảnh sát Hình sự (C45) tại Hà Nội. Nhân viên tư vấn đường dây nóng cũng đã liên lạc với Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an.
Nhân viên tư vấn liên tục kết nối với gia đình các em gái và được biết N.T.A 13 tuổi đã liên lạc với gia đình sau 3 tuần mất tích. Cô bé nói với bố mẹ là mình bị bán làm vợ một người đàn ông Trung Quốc. 10 ngày sau đó, nhân viên tư vấn nhận được điện thoại của người cha cập nhật thêm những diễn biến mới.
Ông cho biết con mình, N.T.A đã cho biết địa chỉ và số điện thoại của cháu ở Trung Quốc. Gia đình đã trình báo thông tin này với công an quận và công an thành phố Hà Nội. Công an thành phố đã gửi công văn cho Cục Cảnh sát Hình sự và công hàm cho Interpol. Cơ quan công an khuyên gia đình nạn nhân làm thị thực Trung Quốc để có thể sang giải cứu con mình. Tuy nhiên, gia đình mong muốn sự giúp đỡ của công an.
10 ngày tiếp sau, N.T.A nói cho gia đình về kế hoạch bỏ trốn của mình, gia đình đã ngay lập tức gọi điện tới đường dây nóng để mong được tư vấn. Nhân viên tư vấn đã hỗ trợ gia đình: đầu tiên gia đình hướng dẫn cháu chạy đến đồn Công an Trung Quốc để trình báo. Đồng thời đã đề nghị gia đình trao đổi trực tiếp với cán bộ P6, Công an Hà Nội và C45 để tư vấn trực tiếp đối với trường hợp khẩn cấp này. Trong tối đó, cháu N.T.A đã may mắn trốn thoát và chạy tới đồn Công an Trung Quốc. Tại đây, cháu đã gọi điện về báo cho bố mẹ.
Cuối cùng, sau 3 tháng mất tích, Công an Trung Quốc đã giao cháu N.T.A về cho gia đình tại cửa khẩu Lạng Sơn. Sau đó, với sự nỗ lực cao nhất của nạn nhân và gia đình, sau 11 tháng mất tích, cháu N.T.M, 15 tuổi, cũng đã được giải cứu thành công.
Hiệu quả từ đường dây nóng
Theo đánh giá, tại Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, do khoảng cách kinh tế giữa vùng thành thị và nông thôn, việc di cư của người dân từ vùng nông thôn lên thành thị và từ Việt Nam ra nước ngoài đang tăng lên. Do đó, việc mua bán người cũng tăng lên đáng kể và trở thành vấn đề nghiêm trọng trong những năm qua; các loại hình mua bán người ngày càng đa dạng, tinh vi, khó phát hiện hơn.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu về dịch vụ tư vấn và cung cấp thông tin để di cư an toàn và phòng, chống mua bán người được đòi hỏi cấp thiết. Tháng 8/2010, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản cung cấp hợp tác kỹ thuật. Dự án sau đó được thực hiện từ tháng 7/2012 tại Hà Nội và 2 tỉnh Hà Giang và An Giang.
Bộ LĐ-TB-XH cho biết: Từ khi hoạt động đến nay, đường dây nóng đã tiếp nhận gần 5.000 cuộc điện thoại, trong đó có nhiều cuộc kết nối, chuyển tuyến thành công. Đây là kênh tiếp nhận và kết nối thông tin từ người dân đến các cơ quan chức năng về phòng chống mua bán người, giải cứu nạn nhân. Đây cũng là nền tảng quan trọng để hình thành một mạng lưới đường dây nóng phòng chống mua bán người từ cấp Trung ương đến địa phương.
Theo bà Mạc Thị Liên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Giang, đường dây nóng của tỉnh này là 18001282, được đặt tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh. Đây là đường dây nóng miễn phí, tiếp nhận cuộc gọi từ 8h đến 17h hàng ngày từ thứ 2 đến thứ 6. Sau thời gian trên, cuộc gọi sẽ tự động chuyển về tổng đài Hà Nội. Từ năm 2013 đến nay, đường dây đã tiếp nhận 693 cuộc gọi, trong đó có 350 cuộc liên quan đến mua bán người và tư vấn tâm lý cho 410 nạn nhân bị mua bán trở về.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho biết, hiện chưa có nhiều người biết đến đường dây nóng này. Vì vậy, thời gian tới, Cục sẽ nâng cấp và kết nối với các đường dây nóng phòng, chống mua bán người trong khu vực các nước ASEAN. Đường dây nóng này cần được xem như là một cách thức hiệu quả trong việc đẩy mạnh phòng chống mua bán người và các hoạt động bảo vệ nạn nhân của nạn mua bán người.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, năm 2010 cả nước xảy ra 444 vụ mua bán người, 836 nạn nhân bị mua bán; năm 2014 xảy ra 649 vụ mua bán người với hơn 1.000 nạn nhân bị mua bán. Qua 4 năm, số vụ mua bán người tăng không nhiều, nhưng số nạn nhân bị mua bán tăng cao./.