Cách đây 3 tháng, phiên tòa lưu động do TAND tỉnh Điện Biên tổ chức tại Ủy ban nhân dân xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, xét xử Giàng Thị Dung (trú tại thôn Pàng Dề A2) về tội mua bán người thu hút đông đảo nhân dân đến theo dõi.

Nhiều người dân rất phẫn nộ khi biết Giàng Thị Dung đã bán 2 cháu Chang Thị Dùa (SN 1987) và Sùng Thị Mỷ (SN 1985) sang Trung Quốc lấy 3 triệu đồng.

Sau đó, Dung lại về lừa tiếp em gái của Dùa đưa sang Trung Quốc và Dung bị bắt khi đang trên đường sang Trung Quốc. Dung đã bị Tòa án tuyên phạt 8 năm tù giam.

Theo thống kê của TAND tỉnh Điện Biên, từ năm 2012 đến nay, Tòa án các cấp tỉnh Điện Biên đã thụ lý 19 vụ phạm tội mua bán người, với 24 bị cáo, gần 40 người bị hại.

Các đối tượng bị buôn bán chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức về pháp luật còn hạn chế.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn ghi nhận hàng trăm trường hợp phụ nữ và trẻ em vắng mặt tại địa phương không khai báo với chính quyền, nghi là bị bán sang bên kia biên giới hoặc đang bị ép buộc lao động tại các cơ sở sản xuất "chui".

Ông Quàng Văn Liêm - Chánh án TAND tỉnh Điện Biên cho biết: “Tình hình mua bán người diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước đây. Hoạt động này chủ yếu diễn ra địa bàn các huyện: Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Nhé, và Mường Chà”.

Nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, nhất là ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa thiếu việc làm, nhẹ dạ cả tin, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế.

Trước vấn nạn ấy, Hội Phụ nữ tỉnh Điện Biên chỉ đạo các cấp Hội duy trì sinh hoạt định kỳ, đưa công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm buôn bán người lồng ghép vào các đợt sinh hoạt, hội họp của chính quyền địa phương.

Với những nạn nhân bị buôn bán trở về địa phương, cán bộ Hội cùng các tổ chức đoàn thể gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ về vốn vay, cây, con giống phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng.

Đặc biệt, chú trọng ở các xã trọng điểm có nhiều phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương không rõ nguyên nhân như ở xã Mường Pồn (huyện Điện Biên), xã Na Sang, Mường Mươn (huyện Mường Chà).

Tuần Giáo là địa phương có nhiều dân tộc sinh sống, trong những năm qua trên địa bàn vẫn có tình trạng phụ nữ và trẻ em vắng mặt tại địa bàn không có lý do.

Đây là nguy cơ khiến một số chị em trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Các lực lượng chức năng ở Tuần Giáo đã đẩy mạnh công tác phối hợp  tổ chức tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, trong trường học, trong mỗi gia đình đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ở vùng có nguy cơ cao làm chuyển biến dần nhận thức của người dân nhất là vùng tập trung đồng bào dân tộc ít người sinh sống.

Đại tá Nguyễn Khắc Long - Trưởng Công an huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: “Chúng tôi phối hợp với các phòng ban đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật để bà con hiểu, nâng cao cảnh giác không để kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ”.

Tỉnh Điện Biên đang tiếp tục chỉ đạo hệ thống các cơ quan tư pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động phòng chống tội phạm mua bán người, trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương phát hiện, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử kịp thời nghiêm minh các hành vi phạm tội, nhằm ngăn ngừa có hiệu quả hoạt động của tội phạm này./.