Công trình đập Phú Vinh cách thành phố Đồng Hới khoảng 7 cây số đang xuống cấp nghiêm trọng. Thân đập bị sụt lún phải gia cố bằng rọ đá. Cửa xả tràn có nhiều mảng bê tông rớt ra ngoài, lộ rõ sắt thép đã hoen gỉ. Còn đập An Mã ở huyện Lệ Thuỷ cũng hư hỏng nặng.
Ông Nguyễn Văn Anh, một người dân sống gần đập An Mã, xã Văn Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, cứ mùa mưa bão là người dân nơm nớp lo sợ vỡ đập.
"Đập xây dựng đã lâu năm rồi, nếu vỡ đập thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, dân chúng tôi ở dưới đập rất lo lắng. Vấn đề dùng điện rà cá, nổ mìn vẫn thỉnh thoảng có xảy ra. Do đập cách xa nơi dân ở nên khâu bảo vệ, đôn đốc chưa được chặt chẽ", ông Nguyễn Văn Anh nói.
Công trình có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. |
Tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 50 hồ đập lớn nhỏ, hầu hết được xây dựng thủ công từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Những năm gần đây, nhiều hồ đập xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. Năm ngoái, hoàn lưu bão số 10 làm nhiều hồ đập bị vỡ hoặc cuốn trôi. Ông Nguyễn An Tư, Phó Giám đốc Công ty khai thác công trình Thủy lợi tỉnh Quảng Bình lo ngại về độ an toàn ở những con đập đắp bằng đất.
Vôi vữa xi măng công trình bị rơi ra ngoài, lộ cả sắt thép ở cửa xả tràn đập Phú Vinh. |
Ông Tư cho rằng, đập Thượng Mỹ Trung, tưới tiêu cho vựa lúa lớn nhất tỉnh hiện nhiều mảng bê tông có nguy cơ ngã đổ bất cứ lúc nào: "Công trình thượng Mỹ Trung, cống ngăn mặn giữ ngọt là nguy hiểm nhất, nó vỡ cửa bất cứ lúc nào. Nếu vỡ thì nước mặn lên, nhiễm mặn cho gần 20.000 ha trồng lúa của huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, mà làm công tác thau chua rửa mặn thì phải 5-7 năm mới làm hết được".
Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ những tổ chức Quốc tế như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) để sửa chửa, nâng cấp một số hồ đập quan trọng.
Hầu hết công trình hồ đập ở tỉnh Quảng Bình đều xây dựng từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước . |
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình cho biết: "UBND tỉnh chỉ đạo các huyện sửa chữa các hồ đập đảm bảo tích nước. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí, kêu gọi các tổ chức, các nhà tài trợ để tiếp tục nâng cấp sửa chữa. Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn cũng tranh thủ các nguồn lực, từng bước khôi phục, nâng cấp hồ đập theo tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn, yên tâm cho người dân vùng hạ du"./.
Dân Quảng Bình hoang mang sống bên miệng Thần Chết
Quảng Bình kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai
Suối nước nóng ở Quảng Bình ô nhiễm nặng hơn 10 năm qua