Tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông xảy ra tai nạn lao động tại mỏ đá làm 2 người chết.

Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Bình hiện có hàng ngàn lao động khai thác đá xây dựng, đá làm nguyên liệu xi măng tại 30 điểm mỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Các điểm mỏ này tập trung ở các xã miền núi như Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Hóa Sơn; huyện Minh Hóa, Vạn Ninh, Trường Xuân, huyện Quảng Ninh...

vov_anh_bai_khai_thac_da1_wxfn.jpg
Mỏ đá Rào Trù xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh.
Tình trạng nổ mìn khai thác gây tiếng ồn lớn, việc vận chuyển lộn xộn, gây hư hỏng đường giao thông, ô nhiễm môi trường diễn biến ngày càng phức tạp. Gần đây, tình trạng mất an toàn lao động tại các điểm mỏ đáng báo động.

Năm 2014, tại mỏ đá Lèn Na và Lèn Bảng thuộc xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Cosevco 12 xảy ra 4 vụ tai nạn làm 2 người chết và 2 người bị thương.

Năm 2015, cũng tại mỏ đá này, trong khi đang khoan đá, 1 công nhân đã bị trượt chân, rơi từ độ cao 30m xuống đất, tử vong.

Năm 2016, một lao động lái xe tải vào mỏ đá của nhà máy xi măng Văn Hóa, đóng tại xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa để lấy đá; trong lúc đang chờ máy xúc chuyển đá lên xe, bất ngờ một hòn đá lớn từ trên núi rơi xuống đè lên đầu chiếc xe tải khiến đầu xe bẹp nát, tài xế chết tại chỗ.

Vào ngày 27/02/2017, tại mỏ đá Rào Trù, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, ông Võ Đức Hưởng, 45 tuổi trèo lên lèn đá cao khoảng 50m để khoan nhồi thuốc nổ mìn khai thác đá dây bảo hộ bị đứt khiến ông rơi xuống chân núi và tử vong.

Khai thác đá gây nứt nhà dân xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh
Ông Dương Văn Bảo, người quản lý mỏ đá Rào Trù cho rằng tai nạn là ngoài ý muốn: “Việc đó là nằm ngoài ý muốn nên chúng tôi không thể biết được. Do trời mưa, mưa lâu ngày nó long đất. Lúc đó tôi cũng không có mặt nên không rõ, có dây bảo hiểm hết. Họ tự biết vì họ làm lâu năm. Họ phải mang đi để tự bảo vệ cho chính họ”.

Thực tế, người lao động ở các mỏ đá không mấy chú ý các điều kiện bảo hộ lao động. Từ năm 2014 đến nay, tại tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 7 vụ tai nạn lao động liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, làm nhiều người chết và bị thương, tai nạn chủ yếu xảy ra ở mỏ khai thác đá xây dựng.

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, việc khai thác đá tại các điểm mỏ chưa tuân thủ phương pháp cắt tầng, tạo vỉa, bạt ta - luy và bóc lớp đất phủ bì. Để có đá kịp cung cấp cho khách hàng, nhiều chủ mỏ yêu cầu công nhân khai thác từ dưới chân núi đá lên, tạo thế hàm ếch rồi gài mìn vào đánh sập. Khoan lỗ, đặt nổ mìn tạo ra các “hàm ếch” và thuê lao động thủ công lấy đá đưa đi bán.

Trong quá trình nổ mìn đá bị rạn nứt hoặc trước đó bị mưa gió bào mòn nên nhiều khối đá phía trên, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Vẫn biết “quy trình ngược” tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn nhưng nhiều chủ mỏ thường áp dụng, coi thường tính mạng người lao động.

Có thể nói, tình trạng mất an toàn lao động tại các điểm mỏ ở Quảng Bình kéo dài nhiều năm qua, trước hết là các doanh nghiệp chưa chấp hành đúng các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Nhiều chủ mỏ chưa chú trọng huấn luyện kỹ thuật khai thác, chưa trang bị các phương tiện, thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân trong khai thác mỏ lộ thiên.

Công nhân làm việc tại các mỏ đá chưa được đào tạo chính quy. Quy trình khai thác không đảm bảo. Công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo; sự phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác đá giữa các cấp, ngành, địa phương chưa rõ ràng, thiếu chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm.

Ông Đinh Quang Công, Phó Trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình cho biết: “Số lượng mỏ đá ở Quảng Bình có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động là khá cao. Vấn đề khó đối với tổ chức Công đoàn bởi cấp giấy phép khai thác là bên sở Tài nguyên và Môi trường và giám sát trực tiếp hoặc thanh tra, kiểm tra thì bên Sở Lao động. Cho nên tổ chức công đoàn thì không thể kiểm tra giám sát vì mình không có quyền lực”.

Ngoài nguy cơ mất an toàn đối với lao động cuộc sống của người dân gần các điểm mỏ cũng thường xuyên bị đe dọa. Một người dân sống gần mỏ đá ở xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình lo lắng: “Ở đây quá nguy hiểm. Mỗi lần họ bắn mìn chúng tôi phải trốn, phải bỏ rầm bên trên trần nhà để núp. Hiện tại nhà nứt. Tôi làm đơn từ năm 2016 nhưng đến nay phải chưa giải quyết”.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định, địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh lao động, không cho phép khai thác nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn./.