Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài khiến không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Bình Dương phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động, dẫn đến một bộ phận không nhỏ người lao động mất việc làm, ngưng việc tạm thời... Trước thực trạng này, Bình Dương đã và đang đưa ra những giải pháp thiết thực nhất cho người lao động như tặng quà, suất ăn sáng, vận động chủ trọ giảm giá trọ.
Nghỉ bất đắc dĩ
Gắn bó với Công ty TNHH Doanh Đức ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương hơn 10 năm nhưng chị Nguyễn Thị Loan, quê Nghệ An cũng không dành dụm được là bao khi phải nuôi mẹ già, con nhỏ. Tiền lương mỗi tháng vừa rút ra từ cây ATM của ngân hàng đã “cất cánh” ra đi khi tiền ăn, tiền nhà, tiền thuốc… cứ xếp hàng chờ đợi. Đã khổ nay còn khổ hơn khi công ty cho công nhân nghỉ không lương từ ngày 1/4 đến khi có đơn hàng trở lại. Công ty đóng cửa vì không có đơn hàng cũng đồng nghĩa với việc chị Loan và gần 800 công nhân khác mất việc.
Chị Nguyễn Thị Loan tâm sự: “Cuộc sống của em rất khó khăn. Mong Liên đoàn lao động có sự hỗ trợ giúp đỡ cho chúng em. Em hy vọng dịch này trôi nhanh để chúng em được đi làm, có thu nhập thêm cho cuộc sống”.
Tại một khu trọ trên địa bàn phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên, phóng viên ghi nhận có rất nhiều công nhân từ Hà Giang vào Bình Dương lập nghiệp. Các bạn tuổi đời còn rất trẻ, nhiều bạn lần đầu xa nhà vào Nam với mong muốn có tiền lo cho ba mẹ già, các em nhỏ. Thế nhưng vào Bình Dương làm chưa được bao lâu đành phải nghỉ vì công ty đóng cửa. Không có việc làm, tiền tiết kiệm cũng hết, các bạn đang lo lắng không biết tương lai sẽ ra sao.
Bạn Sùng Mí Say, người dân tộc H’Mông đến từ cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang tâm sự: “Mình mong muốn, cố gắng làm cho có tiền về quê nhưng không ngờ năm nay lại xảy ra cái chuyện này, mình chẳng làm được gì nên rất là buồn. Mình nghĩ, nếu giờ ở đây mà ăn hết cả tiền xe thì không biết làm sao trở về nhà”.
“Tiếp sức” công nhân khó khăn
Câu chuyện của chị Loan và Sùng Mí Say chỉ là hai trong số hàng ngàn công nhân ở Bình Dương đang rơi vào bế tắc khi mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nếu như trước đây, đến các dãy trọ nơi công nhân sinh sống vào những ngày thường chỉ thấy “cửa đóng then cài” thì nay ngược lại. Công nhân mất việc, không tìm được chỗ để đi nên hầu hết đều ở trong phòng trọ chờ đợi ngày được đi làm trở lại.Bình Dương là một tỉnh công nghiệp, thu hút hàng ngàn doanh nghiệp về đầu tư, kéo theo cả triệu lao động từ các tỉnh đến đây sinh sống. Ngay khi nhận được thông báo tạm ngưng hoạt động của các doanh nghiệp, Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương đã hướng dẫn cán bộ công đoàn đề xuất với doanh nghiệp không chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động mà chỉ tạm hoãn trong thời gian ngắn để khi hết dịch có nguồn lao động ổn định sản xuất. Làm được điều này, người lao động cũng không phải lận đận tìm việc sau khi dịch bệnh được kiểm soát và cũng không mất đi thâm niêm làm việc.
Đồng thời, các địa phương và đoàn thể trong tỉnh vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền trọ cho công nhân. Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, cho biết đến nay đã có 661 khu nhà trọ miễn, giảm giá cho gần 14.000 phòng trọ, với tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng; từ nhiều nguồn ủng hộ khác tặng quà cho hàng ngàn công nhân.
Bà Trương Thị Bích Hạnh nói: “Công nhân mặc dù giảm tiền lương, thu nhập trong giai đoạn dịch bệnh nhưng nhận được sự sẻ chia từ phía nhà trọ, người ta sẽ ở lại, gắn bó với địa phương chờ giai đoạn dịch bệnh này qua đi để tiếp tục làm việc”.
Từ đầu tháng 3/2020, qua nắm bắt tình hình thực tế của công nhân, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động tỉnh Bình Dương đã trao tặng gạo, mì tôm và tiền “tiếp sức” những lao động mất việc. Trung tâm cũng đã thực hiện Chương trình “Bữa sáng yêu thương”, mỗi ngày phát phát từ 200-250 suất ăn cho công nhân khó khăn tại một số địa bàn ở Bình Dương.
Ông Đỗ Văn Phùng - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ tỉnh Bình Dương nói, vào đầu tháng 5 trung tâm sẽ thực hiện thêm "Bếp ăn kết nối yêu thương" phục vụ cho công nhân khó khăn.
"Trong thời gian tiếp theo, trung tâm tiếp tục vận động các mạnh thường quân để kịp thời hỗ trợ cho thanh niên công nhân khó khăn, mất việc; đồng thời kết nối các doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho thanh niên công nhân mất việc sau khi hết dịch bệnh để có việc làm ổn định", ông Phùng nói.
Quy mô hơn, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương lên danh sách những công nhân mất việc để được hưởng hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ. Danh sách đã được lập và sẵn sàng chi hỗ trợ khi có hướng dẫn của Trung ương./.