Cụ bà 83 tuổi Trần Minh Hương, ở 28 Kendemar, quận 16, Budapest (Hungary) lau những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má khi nhớ về những cái Tết ở quê hương Hà Tĩnh của bà.

vov_bua_com_hwmw.jpg
Bữa cơm tất niên của một gia đình người Việt ở Hungary

Bà Hương minh mẫn nhớ lại, ngày còn trẻ bà làm đám cưới được 7 ngày thì chồng bà vào Nam 9 năm. Đến khi ông trở ra Bắc, mãi tới năm 39 tuổi bà mới sinh được một cô con gái. Sau đó thì ông mất. Lớn lên, con gái bà sang Hungary làm ăn, buôn bán rồi đưa mẹ sang ở cùng. Bà ở Hungary được 20 năm và có một giao ước với con là ít nhất 2 năm phải về Việt Nam một lần.

“Tết thì mình không thể bỏ con ở lại để về Việt Nam. Nhưng năm nào đón giao thừa tôi cũng rơi nước mắt, vì nhớ những người họ hàng, nhớ từng người hàng xóm. Các cháu làm thế nào về già thì được về ở Việt nam, người già nói chuyện với nhau. Được nhìn phong cảnh làng quê, được nhìn con gà, con chó này, được nhìn tất cả các cây xanh hoa đẹp của mùa đông. Còn bên này khổ lắm, mùa đông năm nay lạnh lắm. Bên này có ai tâm sự đâu nên điện thọai tháng Tết tiền gấp 5 lần những tháng khác.” – bà Hường sụt sùi chia sẻ.

Trong nỗi mong nhớ quê hương, bà Trần Minh Hương đã viết những dòng thơ gửi về quê mẹ, trong đó có những câu như: Xa đất nước xa khung thành chữ S/ Nước non Việt ai vẽ nên tranh/ Để cho con cháu xa gần/ Ở khắp thế giới muôn phần nhớ mong.

Bài thơ của cụ bà Trần Minh Hương viết trong nỗi nhớ quê 

Những người Việt xa xứ không được đắm mình trong không gian Tết như khi ở quê nhà. Bởi lẽ, nếu đón tết cổ truyền thường vào ngày đi làm. Xung quanh cuộc sống vẫn hối hả, không có khoảng riêng để những người Việt đón Tết cổ truyền. Vì thế, theo chia sẻ của chị Lê Thị Quyết Tâm (Việt kiều tại Budapest): Vào những ngày Tết cổ truyền, nếu vào đúng ngày đi làm thì chỉ may mắn lắm các gia đình có một bữa cơm tất niên cùng người thân, con cháu. Sang ngày mùng 1 Tết mọi người vẫn đi làm bình thường”.

Con gái lớn của chị Bích Nhật chuẩn bị Tết cùng mẹ.

Chị Bùi Thị Bích Nhật ở quận 16 (Thủ đô Budapest) cho biết: “20 năm sống xa quê, mỗi khi Tết đến, xuân về chúng tôi lại nao nao, đau đáu hướng về quê hương. Nói rằng Tết buồn thì không đúng, cũng vui nhưng thực sự trong lòng nao nao, vì không phải năm nào cũng có điều kiện để về thăm gia đình, quê hương. “Tôi cố gắng làm những thứ trong gia đình để các con thưởng thức cái Tết ấm cúng” – chị Nhật nói.

Cuộc sống của người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước châu Âu còn nhiều vất vả. Nhiều người được đào tạo, học hành trong nước khá bài bản nhưng khi sang châu Âu lại chủ yếu buôn bán và các công việc khác chứ ít người được làm đúng chuyên ngành được đào tạo.

Bà Phan Bích Thiện – Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary cho biết: Tết năm nay, Hội phụ nữ sẽ mượn phòng ốc ở Nhà Quốc hội Hungary để tổ chức tiệc cho các chị em phụ nữ. Nhiều chị em mang tiếng là sang châu Âu sinh sống nhưng ngoài con đường từ nhà ra chỗ lấy hàng, đưa ra chợ bán thì không biết một địa điểm nào khác. “Chính vì thế, trong hoạt động của Hội phụ nữ chúng tôi sẽ phải có nhiều thay đổi để giúp chị em thay đổi quan niệm về cuộc sống, không phải cứ buôn bán, kiếm được nhiều tiền mới là hạnh phúc” – bà Thiện cho biết.

Đến Trung tâm châu Á – Asia Central (ở Quận 16), không khí đón xuân mới thật rộn rã, vì từ các em nhỏ, các bạn thanh niên, người lớn tuổi… rộn ràng chuẩn bị một đêm văn nghệ chào mừng Tết cổ truyền của dân tộc. Năm nay, tại Trung tâm này, cộng đồng người Việt tổ chức bữa tiệc đón xuân để cho tất cả bà con Việt Nam buôn bán tại Trung tâm Asia cùng các tổ chức sinh hoạt cộng đồng tại Nhà cộng đồng Việt Nam cùng dự bữa cơm tất niên.

Sinh hoạt cộng đồng, đón Tết tại Trung tâm châu Á

Ông Trần Anh Tuấn – đại diện cho cộng đồng người Việt đang làm ăn buôn bán ở Trung tâm châu Á cho biết: “Điều mong muốn của tất cả cộng đồng ở đây là con cháu mình sẽ thành đạt, các cháu sẽ bước cao hơn cha mẹ, đạt được thành công để sau này có thể giúp đỡ được cho đất nước mình”.

Chia sẻ về ngày Tết, ông Tuấn cho biết: “Tôi về Việt Nam rất nhiều, vì tôi có cha già đang ở quê nên trong nhiều năm tôi về Việt Nam đón Tết. Riêng năm nay tôi ở lại đây. Về quê, Tết không thơ mộng, đẹp như trong thơ văn nhưng có một cái gì đó ấm cúng, ít nhất là được gần người thân, được ngồi bên nhau trong những lúc đón giao thừa”.

Còn ông Đinh Quốc Minh -Phó chủ tịch hiệp hội người Việt Nam ở Hungary cho biết: “Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển nên đêm giao thừa chúng tôi thường nói chuyện với người thân ở Việt Nam, với ông bà, các cháu qua video chat, yahoo, facetime… một cách thoải mái, dễ dàng. Chính vì thế, khoảng cách địa lý cũng được kéo lại gần hơn, cái Tết cũng vì thếm mà thêm phần ấm cúng hơn”./.