Tại tỉnh Lâm Đồng, do ảnh hưởng bão số 7 nên từ chiều tối hôm 5/10 đến thời điểm này trên địa bàn có mưa kéo dài, đã có 2 hồ thủy điện tăng lượng xả lũ. Hiện công tác phòng chống thiên tai, đề phòng lũ và sạt lở đất đang được tỉnh này tích cực triển khai.
Mưa lớn, nước từ đầu nguồn đổ về hồ chứa ngày càng nhiều, khiến các đơn vị chủ quản của hai hồ thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh đồng loạt thông báo tăng lượng xả lũ. Cụ thể, vào cuối giờ sáng nay (6/10), hồ Đa Nhim đã chính thức tăng lượng xả lũ từ 100 m3/s lên 150 m3/s, hồ thủy điện Đại Ninh cũng tăng lượng xả lũ gấp đôi từ 50 m3/s lên 100 m3/s. Thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 cũng đã đạt xấp xỉ cao trình tích nước, có thể thực hiện việc xả lũ bất kể lúc nào.
Hiện ở vùng rau trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng là huyện Đơn Dương - khu vực hạ lưu của hồ thủy điện Đa Nhim, công tác phòng chống lụt bão đang được chính quyền địa phương nơi đây tích cực triển khai. Bà Lê Thị Bé, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Đơn Dương cho biết, rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay công tác phòng chống lụt bão đã được huyện triển khai từ sớm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với công ty thủy điện trên địa bàn để xây dựng phương án ứng phó với lũ.
“Khi có bão số 7 thì tất cả các cơ quan ban ngành cũng như các địa bàn đều trong tư thế sẵn sàng ứng phó,” bà Bé nói. “Địa phương luôn có lực lượng ứng cứu, thường xuyên túc trực ở những địa bàn xung yếu, ví dụ ở những vị trí có cầu, phà thì đều bố trí người trực ở hai bên, không để người dân đi lại.”
Trong khi đó, tại các huyện nằm ở vùng trũng khu vực phía Nam của Lâm Đồng là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên, mặc dù trên địa bàn không có mưa lớn nhưng do các hồ thủy điện phía thượng nguồn xã lũ nên mực nước tại các sông, suối đang dần tăng cao. Đây cũng là khu vực cảnh báo có nguy cơ xảy ra lũ và sạt lở đất. Hiện chính quyền địa phương nơi đây đang triển khai các phương án phòng chống thiên tai, cắt cử trực ban 24/24 giờ để chủ động thông báo đến người dân trong khu vực tình hình mưa lũ và sẵn sang tổ chức lực lượng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Ông Phạm Ngọc Anh Tuấn, phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Đạ Tẻh, cho biết: “Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện đang trực, yêu cầu các xã là phải trực nước ở sông Đồng Nai. Nếu thủy động Đòng Nai 3, Đồng Nai 4 xả lũ thì nước sông lên. Phải trực canh mực nước để kịp thời thông báo nhân dân”./.