>> 22 chốt ở cửa ngõ Hà Nội để kiểm soát dịch bệnh, không “ngăn sông cấm chợ”
>> Từ 6h00 ngày 14/7, Công an Hà Nội lập 22 chốt kiểm dịch Covid-19
>> Lái xe công nghệ, nhân viên vệ sinh tại Hà Nội cũng được xét nghiệm sàng lọc
Từ ngày 14/7, Hà Nội sẽ triển khai tổng cộng 22 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn ra vào Thủ đô nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào thành phố trước tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành phía Nam.
Ngày 13/7, trao đổi với báo chí về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch mà thành phố đang triển khai, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của thành phố hiện nay là ngăn chặn các ca nhiễm SARS-CoV-2 xâm nhập, nhưng đồng thời không để xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, gây phiền hà đến các hoạt động chính đáng của người dân.
Người dân nên khai báo y tế trước để tránh ùn tắc
Trước đó ngày 12/7, Chủ tịch UBND thành phố đã ký ban hành Công điện số 14/CĐ-CTUBND về việc “quyết tâm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước”. Theo đó, Hà Nội sẽ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ TP HCM và các vùng dịch, lập tức khai báo với chính quyền địa phương; UBND các xã, phường, thị trấn ra quyết định và giám sát việc cách ly tại nhà 14 ngày theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Thời điểm bắt đầu thực hiện từ 0h ngày 13/7/2021.
Cùng từ mốc thời gian này, Hà Nội dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 gồm nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thành phố đồng thời thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Theo ông Chu Ngọc Anh, đây là những biện pháp cần thiết, kịp thời với quyết tâm nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, bảo vệ an toàn và sức khoẻ nhân dân. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đặc biệt nhấn mạnh, các biện pháp mạnh này chỉ thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả nếu được thực hiện tốt và duy trì liên tục từ cơ sở.
Ông Chu Ngọc Anh đề nghị, mỗi người dân từ TP.HCM hoặc các vùng dịch khác hoặc có tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nêu trên chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch vì an toàn, sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng. Trước khi vào thành phố, người dân nên chủ động khai báo đầy đủ, trung thực qua website www.tokhaiyte.vn hoặc qua ứng dụng Ncovi, Bluezone để vừa đỡ tốn thời gian chờ đợi, vừa tránh ùn tắc giao thông, tránh tập trung đông người tại các điểm chốt kiểm dịch cửa ngõ thành phố.
“Hiệu quả phòng, chống dịch hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào việc ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập. Tôi mong rằng, các cấp, các ngành và người dân cùng coi trọng và tập trung thực hiện nhiệm vụ ưu tiên này. Thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, nhưng ý thức trách nhiệm và sự chủ động thực hiện của cơ sở, sự ủng hộ của người dân mới quyết định hiệu quả”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Kỷ luật nghiêm minh cả người vi phạm và cơ quan quản lý
Đề cập các nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, ông Chu Ngọc Anh yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, và xã, phường, thị trấn trên địa bàn siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ sở trong việc thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố. Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn thành lập các đoàn kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND thành phố; Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã về hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
“Thành phố đề nghị các đồng chí cố gắng cao nhất trong thực thi công vụ, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, sai phạm do lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm dẫn tới bùng phát dịch trên địa bàn quản lý”, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Theo ông Chu Ngọc Anh, Hà Nội sẽ tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp, cơ sở dịch vụ không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tụ tập quá 10 người ngoài trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học; tập thể dục nơi công cộng; các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch... Các biện pháp mạnh như tăng mức phạt cao nhất, yêu cầu đóng cửa và xem xét việc thu hồi giấy phép kinh doanh sẽ được áp dụng đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần.
Vừa qua, trên địa bàn một số quận, huyện đã xảy ra những vi phạm nghiêm trọng về công tác phòng, chống dịch buộc các lực lượng chức năng phải xử phạt. Quan điểm của thành phố là không chỉ xử lý người vi phạm mà cơ quan, cán bộ quản lý địa bàn để xảy ra vi phạm cũng phải được xem xét trách nhiệm và kỷ luật nghiêm minh. Đây là bài học đối với cả người dân, đơn vị, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước; đòi hỏi mỗi cá nhân, tập thể đều phải tự giác nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch và thượng tôn pháp luật.
Lưu ý nhiệm vụ lập 22 chốt kiểm soát các tuyến đường ra vào thành phố từ sáng ngày 14/7, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh chỉ rõ, đây là biện pháp rất quan trọng. Công an thành phố cần chủ động có biện pháp phân luồng giao thông, tổ chức hoạt động các chốt bảo đảm nguyên tắc, quy định, hạn chế ách tắc giao thông và không “ngăn sông cấm chợ”. Cán bộ tham gia kiểm soát các chốt phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng; có tác phong, phong cách ứng xử chuẩn mực trong giao tiếp với người dân; tranh thủ tuyên truyền, vận động, tạo niềm tin cho cán bộ và nhân dân về các biện pháp phòng, chống dịch thành phố và Chính phủ đang triển khai./.