Một chuyện tưởng như chỉ xảy ra ở vùng sâu, vùng xa nhưng có thật 100% đang xảy ra giữa Thủ đô Hà Nội. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Gia Quân (ở phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) khi làm thủ tục đăng ký kết hôn lần thứ 2.
Sau khi ly hôn vào năm 2006 đến nay anh Quân muốn “đi bước nữa” nhưng do thủ tục hành chính quá rườm rà nên anh và bạn gái đã mất gần 1 năm trời mà không thể đăng ký kết hôn theo đúng qui định của pháp luật.
Cụ thể, năm 2006, anh Quân và vợ đầu đã được Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) giải quyết thuận tình ly hôn. Từ đó đến nay, các quyết định ly hôn giữa anh Quân và vợ cũ đã được sử dụng nhiều lần cho việc xin xác nhận tình trạng hôn nhân của chính quyền địa phương để làm các thủ tục liên quan đến công việc kinh doanh (hiện các quyết định gốc đang được lưu tại UBND phường Trương Định).
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). |
Đến năm 2015, anh Quân và bạn gái quyết định đi đến hôn nhân và làm thủ tục đăng ký kết hôn. Khi mang hồ sơ ra UBND phường Trương Định thì không được xác nhận với lý do Quyết định công nhận thuận tình ly hôn (bản sao do TAND quận Hai Bà Trưng cấp) “không có giá trị đăng ký kết hôn”. Được biết, ngày 29 tháng 8 năm 2013, anh được Tòa án Nhân dân quân Hai Bà Trưng cấp một bản “Sao y bản chính” Quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa anh và vợ. Tuy vậy bản sao này lại ghi rất oái oăm: "Để làm các thủ tục khác, không có giá trị kết hôn”.
Vin vào đó, cán bộ tư pháp - hộ tịch của Phường Trương Định yêu cầu anh Quân phải xin một bản sao khác của TAND quận Hai Bà Trưng không có dòng chữ “Để làm các thủ tục khác không có giá trị đăng ký kết hôn”.
Tưởng rằng mọi “nút thắt” sẽ được gỡ khi anh Quân đến gặp TAND quận Hai Bà Trưng nhưng sự việc lại tiếp tục được đẩy đi một vòng nữa. Cụ thể, anh lại được cán bộ của Tòa án quận yêu cầu về địa phương xin xác nhận của Tổ trưởng tổ dân phố về tình trạng hôn nhân, sau đó lên phường để đóng dấu xác nhận chữ ký của ông Tổ trưởng, sau đó quay lại Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng. Có thủ tục đó thì Tòa mới thuận tình cấp một bản sao không có dòng chữ “Để làm các thủ tục khác không có giá trị đăng ký kết hôn”.
Tuy nhiên, khi anh Quân mang tờ đơn có xác nhận của ông Tổ trưởng dân phố đến xin UBND phường Trương Định xác nhận chữ ký của ông Tổ trưởng thì tiếp tục bị từ chối.
Phóng viên VOV.VN đã trao đổi với ông Nguyễn Anh Quân – Phó Chủ tịch UBND phường Trương Định về lý do tại sao không xác nhận chữ ký của ông Tổ trưởng tổ dân phố nơi anh Quân cư trú, ông Nguyễn Anh Quân, lại tìm cách "đá" trách nhiệm cho Tòa án quận: “Làm gì có thủ tục nào xác nhận cái này. Xác nhận chữ ký nhưng lại liên quan đến nội dung là anh ấy cam đoan chưa lấy vợ từ sau khi đăng ký kết hôn. Thế thì làm sao tôi ký xác nhận vào đấy? Tôi đã giải thích rằng, anh Quân đã làm đơn trình bày lý do xin xác nhận dùng cho việc đăng ký kết hôn. Và anh ta cam đoan tự chịu trách nhiệm của cá nhân anh ấy trước pháp luật nếu anh ấy sai. Chỉ đơn giản như thế thôi thì tòa phải cấp chứ làm sao tòa lại không cấp lại cứ đẩy xuống phường. Bây giờ vai trò cá nhân của người ta tự chịu trách nhiệm trước pháp luật ở đâu? Nếu ông Tòa án nói thế thì xuống đây tôi cấp luôn cho xong chứ chẳng cần tòa nữa. Tôi xác nhận thẳng cho ông Quân lấy vợ chứ chẳng cần Tòa nữa. Cơ quan ấy (Tòa án - PV) lại cứ muốn làm chặt cho mình”.
Nhưng hiện tại, chỉ có ông Tổ trưởng dân phố là nắm rõ tình trạng hôn nhân của anh này? – phóng viên đặt câu hỏi, ông Phó Chủ tịch Phường nói: “Làm sao khẳng định được ông ấy nắm rõ. Mai ông tổ trưởng mới lên, ông Tổ trưởng trước chết đi, quá trình công dân ở đấy khoảng chục năm, quan hệ như thế nào thì làm sao ông mới biết được. Lấy đâu ra qui định pháp luật nào của Nhà nước mình xác nhận chuyện ấy. Mai ông ấy xác nhận sai thì đè ông Tổ trưởng ra để xử lý?”.
Nhưng anh Quân chỉ yêu cầu phường xác nhận chữ ký? – “Xác nhận chữ ký nhưng lại khẳng định việc ông Quân không kết hôn thì tôi không xác nhận được. Nếu tôi xác định vào đó thì thà tôi cấp luôn giấy tình trạng hôn nhân để ông Quân lấy vợ chứ cần gì phải có tòa. Tòa cứ muốn làm chặt cho mình. Ông Quân phải tự chịu trách nhiệm của mình. Nếu ông nói sai dẫn tới việc Tòa cấp lại một tờ giấy nữa để cho ông ấy kết hôn thêm một lần nữa thì ông ấy phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi gian dối của mình” – vị Phó chủ tịch phường nói.
Giờ đây, anh Quân đang đứng giữa “ngã ba đường” không biết phải bắt đầu lại như thế nào trong hành trình làm các thủ tục pháp lý để đăng ký kết hôn lần 2. Bản thân bạn gái của anh Quân (chị Quỳnh) hiện đang làm việc tại TP HCM mỗi lần làm giấy tờ lại phải bay ra Hà Nội. Chị Quỳnh tỏ ra rất bức xúc vì hàng tháng chị phải nộp thuế thu nhập cá nhân hàng chục triệu đồng để nuôi một bộ máy hành chính với những thủ tục nhiêu khê, hành dân.
Một thực tế lâu nay làm các nhà quản lý đang đau đầu là tình trạng hôn nhân không đăng ký, sống thử…của rất nhiều cặp trai gái. Như trường hợp của anh Quân, có muốn sống và làm việc theo đúng pháp luật thì lại bị “hành” đến mức khổ sở như vậy.
Mới đây, trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải thốt lên rằng: 'Thủ tục hành chính của mình cay độc lắm, độc ác lắm. Quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, nhiều thủ tục để làm gì? Để có tiền thì mới xong chứ sao nữa”.
Còn Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thì nói: “Nhiều thủ tục nhiều năm không giải quyết thì rất lạ, không thể chấp nhận được. Chuyện rất đơn giản mà chúng ta ích kỷ, chỉ gây khó khăn, gây nhũng nhiễu thì cải cách không được"...
Không biết lãnh đạo Thành phố Hà Nội có biết ở các cơ quan cấp dưới, pháp luật đang được thực thi như thế nào không?
Đây có phải là trường hợp cố tình vin vào "thủ tục" để "hành" dân?./.
Luật sư Đăng Quang (đoàn Luật sư Hà Nội): Tòa án đã vi phạm pháp luật
Việc anh Quân đề nghị tòa án cấp cho mình bản sao quyết định thuận tình ly hôn kết hợp với các thủ tục khác theo quy định của pháp luật để đăng ký kết hôn với người khác. Tòa án cấp cho anh bản sao nhưng lại có thêm dòng chữ: “sao y bản chính cấp cho anh: Nguyễn Gia Quân để làm các thủ tục khác, không có giá trị kết hôn”. Vì có thêm dòng chữ này mà UBND phường “sợ” không dám xác nhận tình trạng hôn nhân cho anh Quân khiến anh Quân loay hoay 2 năm trời không đăng ký kết hôn được.
Theo các quy định về công chứng, chứng thực thì sao y bản chính là sao đúng với bản chính chứ không thêm bớt bất cứ chữ nào vào bản sao y đó, có như vậy mới đảm bảo tính xác thực của sao y.
Việc Tòa án ghi thêm dòng chữ “không có giá trị kết hôn” là vi phạm pháp luật vì tòa án đã tự chối bỏ nội dung quyết định của chính mình và làm hạn chế quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ trong đó có quyền được kết hôn.
Tòa chỉ cấp sao y bản chính theo đơn của đương sự. Đương sự sử dụng theo đơn trình bày và kết hợp với các thủ tục khác. Nếu dùng vào việc khác sai trái thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đối với phường Trương Định, trong trường hợp này, phường chưa làm hết trách nhiệm bởi nếu anh Quân chưa đăng ký kết hôn lần 2 tại phường thì hoàn toàn có thể giở hồ sơ lưu trữ để xác nhận việc này.