TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, Hà Nội một ngày có thể có 100, 200 ca nhiễm mới thậm chí là nhiều hơn, hay khu vực này khu vực kia phong tỏa, thực hiện xét nghiệm thì người dân cũng không vì thế mà quá lo lắng. Khi đã xác định sống chung với dịch bệnh theo hướng thích ứng và linh hoạt thì đó là việc bình thường.
Hiện nay, Hà Nội đã làm chủ được các giải pháp kỹ thuật trong phòng và điều trị bệnh nhân COVID-19, kể cả các trường hợp chuyển nặng cũng đã có đầy đủ trang thiết bị cần thiết để điều trị. TS Nguyễn Việt Hùng nhận định, những gì xảy ra ở TP.HCM là bài học kinh nghiệm đắt giá mà Hà Nội đang chủ động để không lặp lại.
Ông Hùng cũng cho rằng Hà Nội sẽ không tiếp tục thực hiện giãn cách như lo lắng của nhiều người dân. “Với nền tảng, điều kiện y tế như hiện nay, khả năng bùng phát dịch kể cả lên đến cả ngàn ca mà không gây quá tải y tế thì không đáng lo ngại. Vấn đề là chúng ta tổ chức một cách đơn giản trong việc xử lý khi phát hiện người nhiễm. Nếu điều đó xảy ra thì trong gia đình nên làm gì, hàng xóm ứng xử thế nào”, ông Hùng nêu ý kiến.
Với việc xác định chung sống an toàn và thích ứng linh hoạt với COVID-19, theo ông Hùng, điều mà người dân cần lúc này là Hà Nội phải minh bạch các số liệu.
“Số ca mắc được công bố như vậy nhưng người dân không biết số trường hợp nặng là bao nhiêu hay có bao nhiêu trường hợp phải thở máy, bao nhiêu người phải vào ICU. Hay là sau khi tiêm vaccine số ca nặng giảm đi được bao nhiêu. Vì 80-90% F0 là không có triệu chứng rồi”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng dẫn chứng, hiện nay, tỷ lệ tử vong do COVID-19 của cả nước là khoảng 0,9%. Nhưng tỷ lệ tử vong này là ở người già, người bệnh nặng, người mắc bệnh cấp tính như thế nào thì hiện chưa có số liệu rõ ràng.
Nếu phân tích được thì các đơn vị y tế sẽ có cách kiểm soát nhóm đối tượng đó, các gia đình chăm lo hơn cho người thân của mình. Và đây sẽ là những dữ liệu chính xác để hoạch định các chính sách trong đó có năng lực đáp ứng của y tế dự phòng, y tế cơ sở, năng lực điều trị các bệnh nhân nặng. Người dân cũng từ đó bớt lo lắng, hoang mang và bình tĩnh sống chung với COVID-19.
Hà Nội đã làm được rất nhiều việc trong thời gian qua để thích ứng, linh hoạt với COVID-19, nhưng theo TS Nguyễn Việt Hùng, Hà Nội vẫn cần phải tiếp tục tăng tốc độ tiêm phòng vaccine cho người cao tuổi. Hiện Bộ Y tế đã đồng ý rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm vaccine Astrazeneca, điều này sẽ giúp thời gian tới diện bao phủ vaccine sẽ được thực hiện rất nhanh chóng.
Ngoài ra, ông Hùng nhấn mạnh, hiện TP. Hà Nội chưa thực sự mạnh dạn trong việc mở cửa trường học và điều này cần phải thay đổi và làm ngay. Theo ông, việc kiểm soát COVID-19 trong trường học là có thể, nếu như nhà trường và gia đình phối hợp đưa ra một lộ trình đưa đón học sinh.
UBND TP. Hà Nội đã ban hành quy định về việc thích ứng, linh hoạt và kiểm soát an toàn dịch COVID-19 với những hướng dẫn rất cụ thể cho từng ngành nghề, lĩnh vực, cho từng hoạt động cộng đồng. Việc tuân thủ quy định này chính là cách hạn chế tối đa những nguy cơ dịch bùng phát trở lại.
Người dân Hà Nội đã trải qua những ngày giãn cách xã hội dài đằng đẵng và đầy khó khăn, chắc chắn không ai muốn lịch sử ấy lặp lại./.