Liên quan đến việc UBND thành phố Hà Nội mới đây ban hành quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”, Báo Tiền Phong dẫn lời Trưởng Ban Tiếp Công dân T.Ư Nguyễn Hồng Điệp cho biết việc ban hành nội quy tiếp công dân là quyền của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước.

tiep_cong_dan_uvxi.jpg
Trụ sở Ban tiếp công dân TP Hà Nội (Ảnh: Thanh Niên).
Ngay tại Trụ sở Tiếp công dân T.Ư, nội quy cũng quy định rõ "không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo Ban Tiếp công dân T.Ư, cán bộ tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân”.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 7/1, đại diện lãnh đạo Ban Tiếp công dân thành phố Hà Nội cho biết, nội quy này được thành phố ban hành dựa trên quy định tại Điều 12 của Luật Tiếp công dân, cho phép Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành nội quy tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Vị này cũng lý giải, nhiều trường hợp công dân đến trụ sở tiếp công dân giơ máy điện thoại dí sát vào mặt cán bộ tiếp công dân, thậm chí vừa trình bày với cán bộ tiếp công dân vừa phát trực tiếp trên mạng xã hội. Hơn nữa, những người này đến với mục đích không thiện chí, không phải đòi hỏi quyền lợi, trình bày, khiếu nại, tố cáo, phản ánh...

Theo đại diện lãnh đạo Ban Tiếp công dân thành phố, nội quy nói trên không làm hạn chế bất cứ quyền gì của công dân. Cụ thể, cán bộ tiếp công dân chỉ tiếp, hướng dẫn công dân thực hiện quyền của mình, ghi nhận ý kiến, phản ánh của công dân. Sau khi tiếp công dân xong đều có phiếu tiếp nhận đơn, biên bản đàng hoàng.

“Mục đích của nội dung quy định này là ngăn chặn các trường hợp cực đoan, những người đến không phải vì thực hiện quyền của mình theo luật tiếp công dân mà có mục đích tuyên truyền ra bên ngoài, nói xấu, gây ức chế cho cán bộ”, vị này khẳng định.

Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên chiều 7/1, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng quy định này của UBND TP.Hà Nội là không phù hợp. Dẫn việc ghi âm, ghi hình đối với CSGT đang làm nhiệm vụ đã từng gây tranh cãi trước đây, đại biểu Xuyền cho rằng, cán bộ tiếp dân cũng đang thực thi công vụ, không phải tư cách cá nhân và không thuộc phạm vi bí mật đời tư. “Nếu ghi âm, ghi hình CSGT được, thì tại sao không ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân được?”, đại biểu Xuyền đặt vấn đề. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, việc ghi âm, ghi hình như thế nào và sử dụng các âm thanh, hình ảnh đó ra sao lại phải tuân theo những quy định của pháp luật tương ứng.
Theo đại biểu Xuyền, công dân có thể sử dụng các dữ liệu đó để đảm bảo quyền của mình (làm căn cứ để xác định cán bộ tiếp dân đã tiếp nhận đơn thư chưa, đã trả lời công dân như thế nào...) nhưng nếu sử dụng để đăng tải lên mạng xã hội, bôi nhọ, mạt sát cán bộ tiếp dân, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín hay gây ra các thiệt hại khác, thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo các quy định của luật pháp tương ứng.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), cũng cho rằng quy định cấm quay phim, chụp ảnh khi tiếp công dân là trái với quy định của luật Tiếp cận thông tin. Theo ông Đức, khoản 4, điều 3 luật Tiếp cận thông tin quy định: “Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, chỉ có Quốc hội mới có quyền hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Cũng theo ông Đức, việc hạn chế quyền quay phim, chụp ảnh khi tiếp công dân cũng rất bất hợp lý. Theo quy định của luật Tố tụng hành chính và luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, người dân có quyền khởi kiện một hành vi hành chính của cán bộ, trong đó có cán bộ tiếp dân. Nếu cấm người dân quay phim, chụp ảnh, là đã tước đi quyền thu thập chứng cứ của người dân, trước nguy cơ quyền lợi bị xâm phạm bởi hành vi của cán bộ tiếp dân./.