Trước nhiều ý kiến cho rằng, người uống rượu bia khi tham gia giao thông chỉ nên bị xử phạt thật nặng để răn đe, không nên giữ xe của người vi phạm vì đây là tài sản của công dân. Một số ý kiến băn khoăn, việc giữ xe cũng gây lãng phí của cải xã hội vì các bãi giữ xe phạt để giữa nắng mưa…

dvt_iehm.jpg
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội.
Trao đổi về việc này, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội khẳng định: Việc tạm giữ phương tiện chính là việc cơ quan chức năng đang bảo vệ tài sản, phương tiện cho người vi phạm.

“Các lái xe vi phạm lỗi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đều chấp hành nghiêm các hình phạt theo nghị định 46. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy nhân dân rất đồng tình, ủng hộ quy định xử phạt”, Đại tá Đào Vịnh Thắng khẳng định.

Ghi nhận các ý kiến cho rằng, những trường hợp sử dụng rượu bia cao hơn mức cho phép mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông thì cơ quan chức năng nên phạt nặng hơn nữa, nhưng không tạm giữ phương tiện, ông Thắng nói: Việc tạm giữ phương tiện chính là cơ quan chức năng đang bảo vệ tài sản, phương tiện cho người vi phạm. Vì lúc đó người vi phạm không còn đủ tỉnh táo, minh mẫn để điều khiển phương tiện, có thể gây nguy hiểm cho người khác và cho chính bản thân mình.

"Do đó, không nên nghĩ tài sản là phương tiện không có sai phạm gì mà cơ quan chức năng lại giữ”, ông Thắng cho hay.

Đại tá Thắng nhấn mạnh, về lâu dài, luật sẽ bổ sung quy định để tước luôn giấy phép lái xe nếu lái xe vi phạm về nồng độ cồn vượt mức cho phép hoặc vi phạm nhiều lần. Một số nước trên thế giới đã áp dụng việc tước giấy phép lái xe vĩnh viễn.

Tính từ ngày 16- 23/8, các tổ công tác xử lý lỗi sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông của CSGT Công an TP Hà Nội đã lập biên bản xử lý 201 trường hợp (gần 20 trường hợp điều khiển xe ô tô), tạm giữ 201 phương tiện ô tô, mô tô; tước giấy phép lái xe tất cả các trường hợp vi phạm./.