Người lao động Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất việc làm hoặc giảm thu nhập do cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như cạnh tranh giữa chính các lao động trong cùng một ngành nghề.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, con đường để giữ được việc làm và ổn định thu nhập đối với người lao động hiện nay chính là không ngừng hoàn thiện mình để trở thành người không thể thay thế trong chuỗi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

vov_7658_utve.jpg
Dù ở tuổi 80, nhưng đôi tay tài hoa của nghệ nhân Hạ Bá Định khó có ai khác thay thế được.

Chật vật giữ vị trí việc làm

Anh Trần Quyết, công nhân Công ty Mada, Nam Định chưa quên điều đã xảy ra với mình 3 năm trước, khi có người thân ốm nằm viện, anh phải xin nghỉ 3 tuần. Sau gần 2 tuần, công ty thuê ngay một người làm thay phần việc của anh, và khi đi làm trở lại, anh phải chấp nhận chia việc, cũng đồng nghĩa chia cả tiền lương với người đó. Tình trạng 1 việc 2 người làm kéo dài mãi cho đến 2 năm sau, khi người bạn đồng nghiệp kia chuyển việc, anh mới nhận lại toàn bộ công việc và tương ứng là toàn bộ phần lương của mình.

Câu chuyện xảy ra với anh Trần Quyết cũng chẳng xa lạ với bất kỳ người lao động nào, bởi trên thực tế, doanh nghiệp trên đã áp dụng đúng các quy định của Luật Lao động, cho phép người lao động nghỉ đủ số ngày phép. Do đó, nếu người lao động nghỉ quá số ngày phép thì sẽ phải chấp nhận 2 phương án: hoặc là chia việc với người khác để bảo đảm tiến độ sản xuất kinh doanh của công ty, hoặc là buộc phải nghỉ việc. Trên thực tế, có những trường hợp người lao động thậm chí còn không có cơ hội lựa chọn.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam - đây là một thực tế mà người lao động đang phải đối mặt. Khi phân tích lý do có những ngành năng suất lao động cao mà thu nhập người lao động vẫn thấp, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Không phải cứ năng suất lao động cao là đã chắc chắn mang lại thu nhập cao cho người lao động, mà nó còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quan trọng là người lao động có thể chứng minh vị thế trong doanh nghiệp hay không?”.

Nhiều công đoạn sản xuất có thể dễ dàng thay thế lao động, do đó: “Nếu muốn có thu nhập cao, anh buộc phải trở thành người khó thay thế trong chuỗi sản xuất của doanh nghiệp”. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, muốn trở thành người khó thay thế trong chuỗi sản xuất của doanh nghiệp, người lao động cần phải nâng cao tay nghề và trình độ, nâng cao năng suất để nâng cao giá trị nhân công.

Nghe thì rất dễ, nhưng để trở thành lao động không thể thay thế trong chuỗi sản xuất của doanh nghiệp, người lao động sẽ phải nỗ lực rất lớn. Chị Felicia Cao - một người Australia gốc Việt đang làm việc cho một doanh nghiệp điện tử lớn ở Australia - cho biết, mỗi lần muốn xin nghỉ phép về Việt Nam thăm bạn bè, người thân, chị phải chuẩn bị trước cả tháng để thu xếp công việc sao cho thời gian mình vắng mặt, công việc vẫn chạy đều.

Phụ trách kiểm định chi tiết chính trong một thiết bị điện tử, sự vắng mặt của chị Cao có thể khiến cho dây chuyền đình trệ, vì vậy chị phải dồn kỳ phép của 2 - 3 năm và lên kế hoạch trước với Ban giám đốc từ nửa năm trước để chuẩn bị cho các đơn hàng sẽ phải trả trong thời gian vắng mặt. Công việc vất vả, nhưng bù lại, thu nhập của chị Cao vào loại cao nhất trong doanh nghiệp, đủ để chị lo cho gia đình ở Australia, bao gồm cả mua nhà theo tập quán sở hữu nhà riêng của người Việt. Nhưng đó là quá trình học hỏi không ngừng nghỉ của chị Cao. Hành trang mỗi khi rời Việt Nam để quay về Australia không phải là đặc sản mà là... sách. Chị Cao cho biết, nếu không chịu khó đọc sách và tự học, chị cũng sẽ bị đào thải.

Nâng cao năng suất bắt đầu từ chất lượng lao động

Xu thế kinh tế quốc tế những năm gần đây và những cam kết hội nhập đã được ký kết cho thấy, người lao động Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất việc làm hoặc giảm thu nhập do cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như cạnh tranh giữa chính các lao động trong cùng một ngành nghề.

Có thể lấy thực tế ngành dệt may làm ví dụ. Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam: “Năm 2018 hai quốc gia đứng thứ 2 và thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu dệt may là Ấn Độ và Bangladesh đều suy giảm. Họ là những quốc gia có tiền lương thấp hơn và lực lượng lao động đông hơn Việt Nam rất nhiều, Ấn Độ có 1,4 tỉ dân còn Bangladesh xấp xỉ 300 triệu dân. Như vậy nếu cạnh tranh bằng đơn giá lao động rẻ, thâm dụng lao động cao thì không thành công được. Điều này khẳng định chiến lược mà ngành dệt may chuẩn bị từ năm 2014 trở lại đây, quyết định rằng đầu tư vào ngành dệt may sẽ không thâm dụng lao động nhiều nữa, hay nói cách khác là giảm tỉ lệ lao động, hoặc đơn giản hơn, kim ngạch xuất khẩu trên đầu người lao động sẽ tăng mạnh hơn”.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả này, hầu hết doanh nghiệp trong ngành dệt may đều phải đặt mình trước lựa chọn đầu tư chính xác, có chiều sâu, không đầu tư dàn trải, thay thế các trang thiết bị tiêu tốn năng lượng và sử dụng nhiều lao động, bằng những trang thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm lao động hơn.

“Cần tập trung vào những lĩnh vực cụ thể mà Việt Nam có năng lực thay vì làm tất cả mọi điều. Thủ tướng có thể đứng ra cam kết và giám sát một cách sát sao kế hoạch đặt ra, từ đó nắm bắt những vấn đề phát sinh để có hướng giải quyết. Tại Singapore, hay Rwanda, Etiopia, lãnh đạo cấp cao rất nghiêm túc theo đuổi những mục tiêu đề ra”.

--- GS Kenichi Ohno---

Trong khi đó, các chuyên gia nước ngoài đặc biệt nhấn mạnh đến công tác đào tạo nghề của Việt Nam. Theo Giáo sư Kenichi Ohno, một trong những chuyên gia hàng đầu Nhật Bản tham gia vào xây dựng và tư vấn Chính phủ Việt Nam, Nhà nước cần khuyến khích người lao động phát huy sự năng động trong suy nghĩ và hành động. Công tác đào tạo nghề cần gắn chặt với doanh nghiệp, các ngành công nghiệp, chương trình đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt chú ý đào tạo tác phong làm việc, thái độ làm việc...

Trên thực tế, nếu người lao động không tự khẳng định mình là yếu tố không thể thay thế trong chuỗi sản xuất (cũng có nghĩa là lao động đó sẽ đóng góp cho doanh nghiệp ở mức cao) thì nguy cơ sàng lọc là khó tránh khỏi.Ông Nguyễn Văn Thuyên - Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đạt -không hề ngần ngại cho biết: “Lao động có trình độ đến với doanh nghiệp thì doanh nghiệp rất vui vì các bạn ấy được đào tạo bài bản, tuy nhiên rào cản ở đây là vấn đề lương. Chúng tôi đang đào tạo cho người lao động trách nhiệm đối với xã hội cũng như nâng cao năng suất lao động để làm ra sản phẩm tốt đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Khi doanh nghiệp và người lao động chưa nhất trí được với nhau về quan điểm trả lương cũng như mức lương thì sẽ rất khó để chúng tôi thu hút được lao động trình độ cao”.

Tuy nhiên, cũng không thể coi đó chỉ là trách nhiệm của riêng người lao động. Nếu mức thu nhập không được cải thiện, thời gian làm việc không được cân đối hợp lý, thì người lao động sẽ không có đủ điều kiện để tái tạo sức lao động, chứ chưa nói tới việc nâng cao năng suất và vị thế.

Mặt khác, các địa phương cũng cần quan tâm tới việc liên kết đào tạo với các doanh nghiệp để chất lượng đào tạo vừa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn của doanh nghiệp, vừa nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động để cả doanh nghiệp và người lao động đều không gặp khó khăn và không bị kéo chậm tiến trình đầu tư./.