Theo dự thảo quy chế tuyển sinh cao đẳng , đại học năm 2016, các môn năng khiếu được tổ chức thi riêng theo quy chế của mỗi trường. Các thí sinh cần nộp kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển cùng điểm thi các môn năng khiếu do các trường tự tổ chức thi.

Thí sinh tốt nghiệp trung cấp nghệ thuật có nhiều thuận lợi

Chia sẻ về kế hoạch tuyển sinh của trường đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội năm nay, PGS.TS.NSƯT Nguyễn Đình Thi, hiệu trưởng nhà trường cho biết từ năm 2015, trường đã đưa ra đề án tuyển sinh riêng, đã được Bộ giáo dục và Đào tạo phê duyệt.  Năm nay kỳ thi năng khiếu sẽ diễn ra từ  ngày 20/7 đến hết 30/7. Theo đó đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội có 2 khối thi là khối S và S1.  Với những thí sinh thi khối S, ngoài môn năng khiếu các em sẽ xét tuyển môn Ngữ Văn. Với khối S1 ứng với các chuyên ngành công nghệ dựng phim và âm thanh điện ảnh truyền hình, thí sinh thi năng khiếu và xét tuyển môn Toán.

Với 2 môn Ngữ Văn, Toán, trường lấy điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Còn về phần thi năng khiếu ứng với mỗi chuyên ngành các em sẽ phải dự thi những môn thi khác nhau.

vov_thay_thi_fcsz.jpg
Thầy Nguyễn Đình Thi chia sẻ một số điểm mới trong kỳ thi năng khiếu Đại học Sân khấu-Điện ảnh 2016.

So với năm 2015, năm nay trường có một số điều chỉnh. Thứ nhất là chấp nhận điểm xét tuyển đối với các em thí sinh thi tốt nghiệp trường trung cấp nghệ thuật mà không có điểm xét tuyển ở  kỳ thi THPT quốc gia.

Trên thực tế, chương trình học phổ thông lồng ghép với chương trình đào tạo trung cấp nên nếu xét điểm Văn trong kết quả thi THPT quốc gia thì các em không có kết quả đó.

Về quy trình đăng ký dự thi năng khiếu của các thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghệ thuật hoàn toàn không có gì khác so với các thí sinh vừa tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay.

“Các thí sinh thi năng khiếu sẽ phải trải qua 2 vòng thi sơ tuyển và chung tuyển. Về mức điểm, chúng tôi có 2 điểm chuẩn là điểm chuẩn chuyên môn và điểm chuẩn tổng. Điểm chuẩn chuyên môn là điểm thi phần năng khiếu, điểm chuẩn tổng là điểm thi phần năng khiếu nhân hệ số 2 cộng với điểm xét tuyển môn Văn hoặc môn Toán”, thầy Thi cho biết thêm

Xét về tỷ lệ điểm, thầy Nguyễn Đình Thi cho rằng điểm năng khiếu có trọng số lớn hơn môn xét tuyển là môn Văn và Toán song 2 môn này thí sinh cũng phải đạt ngưỡng tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.

Không sợ hồ sơ ảo với các trường nghệ thuật

Năm thứ 2 Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng quy chế tuyển sinh mới, trong khi khá nhiều trường lo lắng về hồ sơ ảo, thì các trường nghệ thuật lại khá ung dung. Nói về vấn đề này, thầy Thi cho biết: “Năm ngoái trường đã lường trước khả năng kết quả xét tuyển cũng là ảo.  Nhưng trên thực tế cho thấy với trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh thì tác động này là không lớn. Số lượng các em đã trúng tuyển ở trường và chuyển sang học ở các trường khác là không nhiều. Năm ngoái cả trường chỉ có 5 thí sinh trúng tuyển chuyển sang trường khác”.

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế mới, với đợt xét tuyển đầu tiên các em không được rút hồ sơ để nộp vào các trường khác, thời gian xét tuyển cũng rút ngắn lại. Thầy Thi cho rằng đây là một giải pháp giúp giảm bớt tỷ lệ hồ sơ ảo và nguy cơ “vỡ trận” như năm ngoái.

Hiệu trưởng trường đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội cũng nhận định rằng, với quy chế tuyển sinh như năm nay, trong khi các trường top trên ung dung chọn thí sinh, thì các trường top dưới, hay cao đẳng, trung cấp vẫn có nguy cơ lớn phải đối mặt với vấn đề hồ sơ ảo và cạnh tranh mạnh để thu hút thí sinh.

Thi năng khiếu báo chí  có gì mới ?

Theo thông tin được công bố chính thức từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền, năm nay toàn trường có 1550 chỉ tiêu được phân bố vào 13 ngành.

Đây là năm thứ 2 trường tổ chức kỳ thi năng khiếu báo chí, so với năm ngoái, năm nay trường có nhiều đổi mới để tạo điều kiện tốt nhất cho các tân sinh viên.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng ban Quản lý đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết năm nay trường sẽ không phân chuyên ngành với ngành báo chí ngay từ đầu mà đến khi kết thúc năm thứ 2 các em mới được phân chuyên ngành dựa vào mức điểm trong quá trình học tập. Cô Thủy cho rằng sau 2 năm học tại trường, các em có điều kiện tìm hiểu rõ hơn về các chuyên ngành cụ thể, như vậy việc chọn ngành nghề cũng sẽ chuẩn xác hơn là đăng kí ngay từ đầu.

Riêng với 2 chuyên ngành báo ảnh và quay phim truyền hình, các thí sinh lại buộc phải đăng ký chuyên ngành ngay từ đầu. Với hai chuyên ngành này, kỳ thi năng khiếu cũng có một số điểm khác so với các chuyên ngành khác của khoa Báo chí nói chung.

Cô Thủy cho biết, bài thi năng khiếu báo chí gồm 2 phần. Phần 1, tất cả thí sinh dự thi ngành Báo chí làm bài thi trắc nghiệm gồm 30 câu hỏi, thời gian làm bài 30 phút: kiểm tra hiểu biết chung (nội dung đề thi nằm trong các môn học Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn của chương trình Trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12). Phần thứ 2 các thí sinh làm bài thi tự luận trong thời gian 120 phút, 2 câu hỏi.

Trong đó câu 1 nhằm đánh giá năng lực xử lý, biểu đạt thông tin và sử dụng ngôn ngữ trong xây dựng và hoàn thiện văn bản. Câu 2 đánh giá năng lực phát triển vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân của thí sinh.

Riêng đối với chuyên ngành báo ảnh và quay phim truyền hình, trong phần thi thứ 2, các thí sinh phải trải qua 2 nội dung bao gồm viết bình luận về nội dung, kỹ thuật, hình thức thể hiện của các hình ảnh được xem trong thời gian 30 phút, dung lượng bài viết không quá 500 chữ. Phần tiếp theo, các thí sinh trả lời phỏng vấn trực tiếp để thể hiện hiểu biết về lĩnh vực quay phim truyền hình, ảnh báo chí, tư duy hình ảnh, bố cục, ý tưởng sáng tạo và khả năng giao tiếp của bản thân.

Theo thông tin từ Phó trưởng ban quản lý đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, để đảm bảo tối đa tính khách quan cho phần thi vấn đáp, trường sẽ lắp đặt camera và quay lại toàn bộ quá trình thi vấn đáp./.