Đây là thông tin được PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đưa ra tại Hội nghị tuyển sinh báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2021 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2022 do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều nay (16/3).

Đánh giá về công tác tuyển sinh đại học năm 2021, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, có hiện tượng các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành, nhưng phân bổ chỉ tiêu không hợp lý, hoặc tuyển sinh không đúng với chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển, dẫn đến thiếu đảm bảo công bằng đối với thí sinh, gây hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Ví dụ như điểm trúng tuyển quá cao bất thường, thí sinh 30 điểm cũng không đỗ vào ngành học đã lựa chọn... 

“Các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, nhưng không có biện pháp bảo đảm công bằng giữa các thí sinh, tiến hành gọi thí sinh nhập học sớm, mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo lớn, đồng thời chưa tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn được ngành học theo đúng nguyện vọng ưu tiên nhất, có năng lực nhất.

Bên cạnh đó là vấn đề khai báo chỉ tiêu tuyển sinh chưa thống nhất giữa các hệ thống, chưa thực hiện đúng kế hoạch, đủ, hết quy trình đối với việc xác định chỉ tiêu, xây dựng, công khai đề án tuyển sinh, xét tuyển, lọc ảo và báo cáo kết quả tuyển sinh. Có trường lại chưa kiểm soát được điều kiện sơ tuyển, do vậy thí sinh không đủ điều kiện vẫn trúng tuyển, và phải xử lý vấn đề sau khi thí sinh tiến hành nhập học”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chỉ rõ.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, trong năm 2021, còn có trường đại học nhập điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố… Một số trường không dự báo được thí sinh trúng tuyển nhập học, đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu; Chưa có dự báo và có giải pháp để xử lý tình trạng thí sinh có điểm xét tuyển cao nhưng vẫn không trúng tuyển. Các trường chưa cảnh báo được và có giải pháp xử lý tình huống đối với các rủi ro, sai sót trong quá trình tuyển sinh. Bên cạnh đó, báo cáo số lượng thí sinh nhập học còn thiếu, thậm chí không nhập dữ liệu, nhập không đúng thời gian và cấu trúc quy định. Một số cán bộ mới làm công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo chưa nắm bắt được rõ quy trình và nhiệm vụ, thậm chí còn có sai sót… 

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, hiện nay, phương thức xét tuyển vào các trường đại học rất đa dạng (khoảng 20 phương thức), nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào các phương thức như: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng,… Tuy nhiên, sự đa dạng này phần nào cũng gây ra sự khó khăn cho thí sinh trong nắm bắt thông tin.

Muốn giảm chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển cần có lộ trình

Để mùa tuyển sinh năm 2022 đảm bảo hiệu quả, công bằng cho thí sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học cần khai báo các thông tin xét tuyển của các phương thức lên trang thi và tuyển sinh để thí sinh đăng ký xét tuyển. Thống nhất, ổn định phương án thu, chi lệ phí xét tuyển 2022 với các Sở GD-ĐT. Rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 và cập nhật lên hệ thống. Ban hành quy chế tuyển sinh của cơ sở đào tạo, thực hiện lịch tuyển sinh chung. 

Đặc biệt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng nhấn mạnh, các trường cần công khai đề án, kế hoạch tuyển sinh, thực hiện việc tuyển sinh đúng quy chế; xác định và giải trình về các phương thức tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu của ngành đào tạo, khắc phục hạn chế của năm 2021; xây dựng chính sách đảm bảo chất lượng đầu vào và chịu trách nhiệm giải trình.

Đảm bảo nguyên tắc giữ ổn định, đối với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần phải có lộ trình giảm, ví dụ không được giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành mỗi năm, không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh.

Mỗi ngành tuyển sinh (có thể theo nhóm ngành, chuyên ngành, chương trình) phải có một mã tuyển sinh/mã xét tuyển riêng cho từng phương thức tuyển sinh, để thuận tiện các mã này chỉ khác nhau một chữ số/ký tự cuối cùng.

Các trường chủ động thực hiện công tác xét tuyển, hoặc phối hợp thành nhóm trường trong công tác chạy phần mềm xét tuyển. Đối với các trường có sử dụng các phương thức xét tuyển khác phương thức dựa trên điểm tốt nghiệp THPT cần lưu ý: Nếu chỉ xét tuyển đơn giản dựa trên điểm học tập bậc THPT (học bạ) thì có thể sử dụng trực tiếp hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ GDĐT, sau thời gian thí sinh đăng ký nguyện vọng sẽ tải nguyện vọng và điểm học bạ của thí sinh về để xét tuyển; tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống của Bộ để lọc ảo cùng với các phương thức khác.

Nếu phương thức xét tuyển bằng phương thức khác học bạ, hoặc dựa trên học bạ nhưng phức tạp hơn cần một hệ thống riêng thì phải thông báo rõ cho thí sinh để đăng ký, nộp hồ sơ xét tuyển cho trường, đồng thời đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Các trường có thể chạy phần mềm xét tuyển trước, nhưng sẽ tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống của Bộ GD-ĐT để lọc ảo cùng với các phương thức khác.

Bên cạnh đó, các trường cũng cần bố trí bộ phận thường trực gồm các cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh, nắm vững quy chế để giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác xét tuyển của trường và chế độ ưu tiên trong tuyển sinh. Tạo điều kiện hỗ trợ thí sinh được sử dụng các phòng máy tính nối mạng internet của trường để thực hiện việc đăng kí nguyện vọng xét tuyển. Rà soát, có kế hoạch chuẩn bị điều động giảng viên đúng đối tượng, đủ số lượng tham gia tổ chức, triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT theo quy định. Cử cán bộ tham gia đầy đủ các đợt tập huấn của Bộ GD-ĐT, tổ chức tập huấn về các nội dung công tác thi THPT tại trường theo kế hoạch (nếu có)./.