Ngày 24/1, UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT về việc cho học sinh trở lại trường học sau thời gian dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, học sinh các khối từ lớp 7 đến lớp 12 đi học trực tiếp; học sinh tiểu học và khối lớp 6 của cấp THCS học trực tuyến. Trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.
Việc mở cửa trường chỉ tổ chức ở các địa bàn mức độ dịch ở cấp độ 1, 2. Còn địa bàn mức độ dịch cấp độ 3, 4 dạy học theo hình thức trực tuyến.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội chưa có kế hoạch cho trẻ mầm non trở lại trường sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tuổi thơ của trẻ sẽ "một đi không trở lại"
Trong chương trình Diễn đàn VOV2 (Đài Tiếng nói Việt Nam) được phát sóng trực tiếp ngày 26/1, chị Vũ Thị Thúy, chủ cơ sở mầm non Mẹ yêu con đã có những chia sẻ về những khó khăn của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đối mặt trong hơn 8 tháng qua cũng như sự cần thiết phải mở cửa trường mầm non trở lại.
Chị Thúy cho rằng, nếu sau tết Nguyên đán 2022, hệ thống các trường mầm non chưa được phép mở cửa trở lại thì rất có thể nhiều cơ sở mầm non tư thục sẽ giải thể. Ngay như hệ thống mầm non Mẹ yêu con có 3 cơ sở thì đến nay đã đóng cửa hoàn toàn 1 cơ sở, 1 cơ sở khác cũng trả lại một nửa mặt bằng vì không đủ nguồn tài chính.
Tuy nhiên cũng theo chị Vũ Thị Thúy, trường đóng thì có thể mở lại, giáo viên thiếu có thể đào tạo thêm nhưng tuổi thơ của trẻ sẽ một đi không trở lại.
“Thời gian vàng để cho trẻ phát triển là từ 0 đến 6 tuổi. Đây cũng là khoảng thời gian ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ sau này. Đó là thời gian để chuẩn bị cho trẻ những cái hành trang quan trọng để trẻ có thể học tập suốt đời. Vậy mà trẻ phải ở nhà thì đây là thiệt hại rất to lớn. Nếu mà các con ở nhà quá lâu sẽ mất đi những kết nối bình thường với xã hội và nó sẽ ảnh hưởng tác động đến quá trình phát triển của các con rất lớn”, chị Vũ Thị Thúy chia sẻ.
Mặc dù thành phố Hà Nội đóng cửa trường mầm non suốt 8 tháng qua nhưng thực tế theo chị Vũ Thị Thúy vẫn có những nhóm trẻ tự phát hoạt động. Điều này cho thấy nhu cầu thực tế của chính phụ huynh.
“Dường như phụ huynh bắt đầu chấp nhận việc có thể có rủi ro. Khi chuyển sang trạng thái bình thường mới không thể cứ mãi để cho con ở nhà được. Phụ huynh phải đi làm, con phải hoạt động để phát triển. Cho nên việc mà các nhóm trẻ tự phát ở các gia đình hoặc các giáo viên tự mở thì đó là một thực tế hiện nay, đặc biệt là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”, chị Vũ Thị Thúy.
Chị Vũ Thị Thúy cũng thừa nhận, việc mở cửa trường mầm non trở lại trong bối cảnh trẻ độ tuổi này chưa được tiêm vaccine là một rào cản rất lớn, đòi hỏi sự đồng thuận của phụ huynh.
“Nếu muốn có sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh thì chúng ta cũng phải biết vì sao họ chưa đồng thuận để có phương án tiếp cận và phương án đưa ra các tình huống ứng xử”, chị Thúy nêu quan điểm.
Nguy cơ khi trẻ ở nhà không kém gì đến trường
Cũng trong chương trình Diễn đàn VOV2 ngày 26/01, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, đối với trẻ mầm non hoạt động chủ đạo của các em là vui chơi. Nhân cách, kỹ năng sống của trẻ cũng hình thành thông qua hoạt động và hoạt động trong môi trường. Vì vậy, trẻ ở nhà quá lâu sẽ có những ảnh hưởng nặng nề.
“Đưa trẻ trở lại trường là một điều cần thiết. Dù trẻ trong độ tuổi này chưa được tiêm vaccine nhưng nền kinh tế đã mở cửa trở lại, người lớn đi làm bình thường, học sinh, sinh viên cũng chuẩn bị trở lại trường thì nguy cơ trẻ mầm non ở nhà bị nhiễm Covid-19 cũng không kém gì khi trẻ ở trường”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam cho rằng, để mở cửa trường mầm non thì bên cạnh phương án cụ thể, khoa học thì cần đẩy mạnh truyền thông để tạo sự đồng thuận của phụ huynh, để cha mẹ học sinh cảm thấy yên tâm khi cho trẻ trở lại trường.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, với học sinh từ 5-11 tuổi, Bộ đã có phương án trình Chính phủ xem xét tiếp tục tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi này vào năm 2022. Việc trở lại trường học với trẻ từ 5-11 tuổi cũng hết sức cần thiết.
“Thời điểm này, cộng đồng đã có mức độ miễn dịch, việc quyết định cho trẻ trở lại trường phụ thuộc vào các yếu tố an toàn như gia đình phải an toàn, cộng đồng xã hội đảm bảo an toàn. Việc cho học sinh đi học trực tiếp không thể khẳng định là an toàn tuyệt đối, nhưng nguy cơ lây lan cho trẻ từ 5-11 tuổi là rất thấp. Trong những đợt dịch vừa qua, tỷ lệ bệnh nhân trong độ tuổi này chuyển nặng và tử vong là rất thấp. Chúng tôi khuyến cáo ngành giáo dục cũng như các bậc phụ huynh nên đưa học sinh trở lại trường”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh./.
Ngày 24/01, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình dịch tại địa phương (tính đến địa bàn cấp xã/phường) chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên trước ngày 14/2.
Chỉ đạo Sở GD-ĐT, Sở Y tế, các ban, ngành liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục về phương án, kịch bản phù hợp xử lý tình huống xảy ra dịch trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường học; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận cho trẻ mầm non, học sinh đến trường, đảm bảo an toàn.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các huyện, xã hỗ trợ nhà trường, gia đình học sinh để có phương án dạy và học phù hợp đối với từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể (học sinh bị bệnh nền, hoàn cảnh khó khăn, sống xa cha mẹ…).
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, tăng cường hoạt động thể chất, giáo dục kỹ năng, củng cố, bù đắp kiến thức trước khi dạy kiến thức mới, phân nhóm học sinh để hỗ trợ hiệu quả trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường.