Sau khi các trường đại học (ĐH) công bố điểm chuẩn vào các ngành, nhiều thí sinh bất ngờ khi điểm chuẩn năm nay tăng cao so với nhiều năm. Một số thí sinh đạt trên 29 điểm nhưng vẫn không đỗ nguyện vọng 1. Trong khicó những thí sinh chỉ đạt 25,75 điểm nhưng được cộng thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ ĐH.

Trước thực tế trên, VOV.VN đã nhận được nhiều ý kiến từ phía học sinh, giáo viên, các chuyên gia cho đến đại diện các cơ quan quản lý giáo dục...

Nên cộng điểm ưu tiên ở mức hợp lý

Học sinh Nguyễn Đức Toàn (trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP Hải Phòng) cho biết: “Em thi ĐH Xây dựng và được 22 điểm. Về vấn đề cộng điểm cho các bạn vùng sâu, vùng xa thì em thấy cũng không có gì đáng ghen tị cả. Cơ sở vật chất, điều kiện học tập của các bạn không được tốt nên việc được cộng điểm như vậy cũng phù hợp. Còn những bạn được điểm rất cao mà vẫn trượt ĐH thì em nghĩ do các bạn không được may lắm”. 

anh_12_vov_vonr.jpg
Chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH đang tạo nên những ý kiến trái chiều ở học sinh (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, học sinh Lê Trung Hiếu, cựu học sinh trường THPT Đống Đa (Hà Nội) không đồng tình với các cộng điểm ưu tiên như hiện nay: "Năm nay em thi được 20 điểm, trượt NV1 khoa Luật trường ĐH Công Đoàn. Nhưng rất may, em cũng đã đỗ NV2 khoa Công nghệ thông tin trường Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Hiện nay, vấn đề cộng 3,5 điểm ưu tiên cho các bạn học sinh ở vùng sâu, vùng xa đang rất được quan tâm. Theo em thấy thì làm như thế là không công bằng cho lắm. Có những bạn thi được 29,35 điểm nhưng vẫn trượt đại học. 

Trong khi các bạn vùng quê chỉ cần thi 27, 28 điểm rồi cộng thêm điểm ưu tiên là đã lên đến 30 điểm rồi. Các trường ĐH thì lại chọn các thí sinh có điểm từ cao xuống thấp. Em nghĩ là cần xem xét lại chế độ cộng điểm.

Trước đây đúng là học sinh thành phố có điều kiện học tập, ôn luyện hơn hẳn học sinh nông thôn, nhưng hiện tại giáo dục ở vùng sâu, vùng xa cũng được chú trọng, đầu tư, có nhiều giáo viên giỏi và chất lượng học tập cũng rất tốt, trên mạng xã hội chương trình luyện thi rất phong phú, nên chệnh lệch không còn quá lớn...Vậy nên cần xem xét lại chế độ điểm cộng cho phù hợp, đảm bảo công bằng cho các thí sinh".

Điểm ưu tiên có khuyến khích học sinh vùng khó khăn học tập?

Là giáo viên, cô Nguyễn Ngọc Hà, trường THPT Nho Quan B (tỉnh Ninh Bình) cho rằng: Việc học sinh được cộng điểm ưu tiên như mọi năm không được đề cập nhiều.

Tuy nhiên, năm nay điểm thi cao có thể nói do đề dễ nên việc đỗ, trượt vào các trường ĐH bị tác động nhiều, có thí sinh 30 điểm vẫn không đỗ. Còn việc hủy bỏ điểm ưu tiên thì cũng khá bất công cho những học sinh vùng sâu, vùng xa và con em dân tộc cũng như con em gia đình liệt sĩ vì họ đã thiệt hơn về điều kiện học tập.

Cô Nguyễn Ngọc Hà, trường THPT Nho Quan B (tỉnh Ninh Bình): Việc hủy bỏ điểm ưu tiên khá bất công cho những học sinh vùng sâu, vùng xa và con em dân tộc

Đứng ở góc độ là phụ huynh, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, phụ huynh sinh viên trường ĐH Hà Nội cho rằng: “Tôi thấy từ trước tới nay, Bộ GD-ĐT vẫn duy trì việc cộng điểm ưu tiên cho học sinh vùng khó khăn. Điều này đã khuyến khích con em vùng khó khăn dân tộc thiểu số có động lực học tập hơn. Tuy nhiên, việc những học sinh điểm cao vẫn trượt ĐH, tôi nghĩ rằng, ngành Giáo dục nên xem xét những trườn hợp điểm cao từ 29 điểm trở lên. Nếu có xét nguyện vọng phụ thì xét điểm thật, không tính điểm ưu tiên”.

Chỉ nên cộng 1 điểm ưu tiên cao nhất

Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch hiệp hội các trường CĐ, ĐH Việt Nam, hiện nay đang có quá nhiều điểm ưu tiên, từ điểm ưu tiên vùng, ưu tiên với các thí sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, đến ưu tiên con em các gia đình có công với cách mạng…

Việc đưa ra điểm ưu tiên về bản chất là khuyến học, nhưng việc học ĐH thực chất là kiến thức, còn nếu ưu tiên, cũng nên chỉ ở một mức độ.  Do đó, thay vì cộng gộp tất cả các điểm ưu tiên như hiện nay, thì nên chỉ cộng 1 điểm ưu tiên cao nhất đảm bảo công bằng cho các thí sinh khác.

PGS Trần Xuân Nhĩ: "Chỉ nên cộng 1 điểm ưu tiên cao nhất nhằm đảm bảo công bằng cho các thí sinh khác".

Nói về việc năm nay có nhiều thí sinh đạt điểm tối đa vẫn trượt đại học, PGS Xuân Nhĩ cho rằng, nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ đề thi còn quá “nhẹ”, chưa đủ để phân hóa học sinh. “Phải xem lại đề thi, người ra đề có đảm bảo đề có tính phân hóa học sinh hay không. Có những em đạt điểm 10 do thực sự xuất sắc, nhưng cũng có những em 10 điểm, nhưng sức học cũng chỉ bình bình. Điểm cao nhưng cũng chưa phản ánh đúng thực chất vấn đề”- PGS Trần Xuân Nhĩ lo ngại.

Chuyên gia giáo dục này cũng cho rằng: “Để tránh bỏ sót nhân tài, nếu số lượng các thí sinh có mức điểm tối đa 30 điểm, hay thiếu tiêu chí phụ tại các trường như ĐH Y, HV Quân Y… không quá nhiều, các trường có thể kiến nghị với Bộ GD-ĐT để điều chỉnh số lượng chỉ tiêu thay vì cứng nhắc giữ nguyên như chỉ tiêu ban đầu”.

Còn GS.TSKH Hà Huy Khoái, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư về ngành Toán học nhận định, Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia “2 trong 1”. Kỳ thi này có 2 mục đích là vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa lấy đó làm căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Thực chất học sinh nếu chỉ cần tốt nghiệp THPT thì được khoảng 12 điểm (3 môn), kết hợp điểm tổng kết năm học lớp 12 là đủ.

Để đỗ đại học thì cần khoảng 15-18 điểm. Như vậy, chỉ tranh nhau “suất ĐH” trong khoảng 3 đến 6 điểm. Nếu vẫn cộng 2 điểm như trước thì tức là đã cộng thêm 2 trong tổng số 3 đến 6 điểm, tức là cộng khoảng 33,3% đến 66, 6% số điểm.

Theo GS.TSKH Hà Huy Khoái, cần có một sự điều chỉnh cho hợp lý về việc cộng điểm ưu tiên. Chẳng hạn nếu như trước kia, ưu tiên 15% số điểm thì chỉ cộng thêm từ 0,45 đến 0,9 điểm là cùng.

GS.TSKH Hà Huy Khoái: "Cần có một sự điều chỉnh cho hợp lý về việc cộng điểm ưu tiên. Chẳng hạn nếu như trước kia, ưu tiên 15% số điểm thì chỉ cộng thêm từ 0,45 đến 0,9 điểm là cùng".

Các em trong diện chính sách không thể được phép “kém” hơn các em khác một bậc

Từng có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục Việt Nam và các nước phương Tây như Pháp, Phần Lan, TS Nguyễn Khánh Trung, Viện Nghiên cứu giáo dục IRED, trưởng dự án Emile Việt Education đưa ra quan điểm nên thay đổi cách làm về các chính sách ưu tiên liên quan đến điểm số thi đầu vào ĐH.

Chuyện đánh giá các bài thi của các thí sinh cao hay thấp là công việc, thẩm quyền và trách nhiệm của các nhà giáo, các nhà chuyên môn tại các trường ĐH, dựa trên nhưng tiêu chí chuyên môn trong từng ngành khoa học. Còn việc ra các chính sách để điều tiết giữa các vùng miền, hay các gia đình chính sách lại là công việc của các nhà chính trị, các nhà quản lý xã hội.

TS Nguyễn Khánh Trung: "Cộng điểm ưu tiên là chính trị hóa giáo dục”

TS Khánh Trung cho rằng, việc thực hiện các chính sách theo vùng miền, theo mức độ thu nhập… là tốt, các nước văn minh vẫn đang thực hiện và làm rất mạnh. Nhưng điểm khác biệt ở các quốc gia phát triển là sự ưu tiên sẽ được thực hiện qua cách điều tiết thuế, các chính sách học bổng và các hình thức hỗ trợ khác để tạo điều kiện cho con em các gia đình khó khăn vùng sâu, vùng xa cũng có quyền được học hành như con em của các gia đình khá giả ở các thành phố, chứ không trao quyền cho các em trong diện chính sách được phép “kém” hơn các em khác một bậc.

Cần sớm trả lại kỳ thi ĐH cho các trường ĐH

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương, Nghiên cứu sinh tại Đại học Kanazawa Nhật Bản, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và có sự chênh lệch khá lớn trong trình độ phát triển giữa các vùng miền. Đã một thời chính sách này có tác dụng nhất định đối với việc phân bổ nhân lực, nhân tài vào những vùng khó khăn nhưng nó đang dần mất tác dụng. Tuy nhiên, bỏ ngay thì không dễ. Nhưng điều chỉnh lại mức ưu tiên thì có thể.

Nhiều thí sinh ở thành phố sẽ cảm thấy không công bằng khi có những người cùng điểm số hay thấp hơn một chút nhưng nhờ điểm ưu tiên mà có thể đỗ trong khi họ trượt. Các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa lại cho rằng không công bằng về cơ hội khi nơi họ sống có điều kiện khó khăn nhưng vẫn phải thử thách kì thi giống như tất cả các thí sinh khác. Sự phát triển chênh lệch sẽ dẫn tới bất bình đẳng về cơ hội và việc thu hẹp sự chênh lệch đó là trách nhiệm của nhà nước, của xã hội cho nên sự ra đời của chính sách ưu tiên cũng là một lôgic dễ hiểu.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương cho rằng, cần thay đổi cách tuyển sinh ĐH

Muốn khắc phục vẹn toàn mâu thuẫn này chỉ có cách cải cách cách thức thi tuyển sinh đại học. Ở đó cho phép thi tuyển thông qua hồ sơ, phỏng vấn, viết luận… Khi đó sẽ không còn sự ưu tiên vùng miền nữa nhưng trường ĐH có thể căn cứ vào hồ sơ, vào bài luận, phỏng vấn mà có sự “ưu ái” nhất định đối với những học sinh vượt qua được nghịch cảnh và có khát vọng mãnh liệt muốn vươn lên trong học tập, cuộc sống, có lòng yêu nghề lớn…

Thầy Vương cho rằng, với cách thức thi “hai trong một” với hình thức thi trắc nghiệm sẽ tạo ra kết quả thi cao cùng tỉ lệ lớn thí sinh có điểm tối đa. Dùng kết quả một kỳ thi như thế để xét tuyển đại học thì đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng các trường phải dùng tiêu chí phụ để xét tuyển do thí sinh có điểm quá cao.

“Nếu như tiêu chí phụ đó được công bố công khai trước khi tuyển sinh thì nó là một sự hợp lý nhưng nó mới chỉ được đặt ra khi xuất hiện tình thế trên thì sẽ là một sự vô lý và thiệt thòi cho các thí sinh. Tình trạng này nói lên nhược điểm của cách thức tuyển sinh hiện tại. Thi đại học phải do các trường đại học tiến hành và tự đưa ra các tiêu chí riêng. Việt Nam nên sớm trả kì thi ĐH về cho các trường ĐH để các trường tuyển sinh bằng bài thi các môn giáo khoa kết hợp với phỏng vấn, viết luận, hồ sơ…  từ đó chọn lấy thí sinh thích hợp”- Thạc sĩ Vương nêu ý kiến.

Bộ GD-ĐTvà cơ quan khácphản hồi về chính sách cộng điểm ưu tiên

Trước băn khoăn của dư luận về việc thí sinh 29, 30 điểm trượt đại học, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD-ĐT lý giải: Điểm cao chỉ thuộc một số ngành khối công an, quân đội và Y đa khoa của một số trường đại học danh tiếng.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng chính sách cộng điểm ưu tiên đã được thực hiện nhiều năm nay. Khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi…, chính sách ưu tiên là cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội.

Thí sinh 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng một chỉ là trường hợp cá biệt. Chúng ta không nên nhìn vào thiểu số để vẽ nên một kỳ thi THPT Quốc gia, bởi điều đó không chính xác.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng vụ ĐH, Bộ GD-ĐT) cho rằng, thí sinh 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng một chỉ là trường hợp cá biệt

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, điểm thi THPT Quốc gia năm nay cao hơn một chút so với mọi năm nhưng nếu nói đó là bất thường thì không đúng. Thực ra, Bộ GD-ĐT đã dự liệu được điều này từ trước vì tất cả môn thi (trừ Ngữ văn) đều thi trắc nghiệm - hình thức dễ gỡ điểm.

Điểm ưu tiên có từ nhiều năm trước đây. Khi xác định điểm ưu tiên, các nhà chính sách nhìn tổng thể về sự chênh lệch điều kiện học tập giữa các vùng miền và đối tượng, chứ không nhìn cụ thể một gia đình, cá nhân nào.

Vì vậy, khi nào còn sự chênh lệch giữa các vùng miền, điểm ưu tiên còn cần thiết để đảm bảo sự công bằng cho tất cả thí sinh.

Cách đây 2 năm, khi vấn đề điểm ưu tiên gây tranh cãi trong dư luận, Bộ GD-ĐT đã chủ động tổ chức cuộc họp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để nhìn nhận, đánh giá. Cuối cùng, tất cả ý kiến toàn diện nhất đều đưa đến kết luận chưa bỏ được điểm ưu tiên.

Tuy nhiên, không phải điểm ưu tiên sẽ giữ nguyên trong các thời kỳ. Bộ GD-ĐT đang lắng nghe ý kiến để sẽ có những nghiên cứu sâu hơn qua những khảo sát, thống kê về chỉ số chênh lệch điều kiện vùng miền trong học tập, nhằm mục đích xác định điểm ưu tiên sao cho phù hợp.

Về ý kiến cần điều chỉnh chính sách ưu tiên ĐH, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, Đảng và Nhà nước đã có chính sách cộng điểm ưu tiên cho học sinh vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người. Nhờ có chính sách này thì học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng sâu, vùng xa mới có cơ hội để thi đỗ vào các trường đại học theo nguyện vọng.

Chính sách ưu tiên đối với dân tộc thiểu số và địa bàn đặc biệt khó khăn là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước. Việc một số chuyên gia cho rằng cần có sự điều chỉnh cho hợp lý về việc cộng điểm ưu tiên thì phải được tổng kết đánh giá toàn diện. Trên cơ sở đó mới có thể xem xét có sự điều chỉnh hay không./.