Giáo viên: Người đi – người ở lại

Bữa cơm của vợ chồng thầy Hoan, đang công tác tại một trường tiểu học, huyện miền núi Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá, được chuẩn bị đơn sơ, vội vàng sau giờ tan trường. Đã mấy chục năm xa gia đình lên đây công tác, không bữa cơm chiều nào thầy không nghĩ về đứa con thơ ở dưới xuôi.

“Đó là điều tôi trăn trở rất nhiều. Thời điểm ngày trước chưa có điện thoại, vài tháng mới về một lần. Vì thế con mình không được gần bố mẹ, sự quan tâm, tình cảm dành cho con bị hạn chế. Nhiều lúc nghĩ cũng rất lăn tăn. Con mình bị thiệt quá nhiều, rồi bố mẹ già không thể chăm sóc được”, thầy Hoan chia sẻ.

Cố gắng! Thuận lợi thì 1 tháng, không thì vài tháng về thăm con 1 lần. Thế mà đã bước sang năm thứ 28 thầy Hoan gắn bó với miền sơn cước này.

“Mong muốn được về gần nhà ai cũng mong muốn cả. Nhưng chưa thể về được, thì phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của mình”, thầy Hoan nói.

Nhọc nhằn vượt núi tìm chữ

VOV.VN - Từ chân núi lên đến đỉnh Cao Sơn theo đường chim bay chừng 2km nhưng để lên đến đỉnh, ở độ cao 1.500m, phải mất khoảng 30 phút với những chiếc xe máy độ. Và đó là con đường quen thuộc của những người thầy cắm bản ở Cao Sơn, huyện Bá Thước.

Mong muốn được chuyển công tác về xuôi. Điều đó là chính đáng với những người như vợ chồng thầy Hoan, ngót nghét 28 năm cống hiến cho giáo dục miền núi. Nhưng, điều này đồng nghĩa với nỗi lo chung, thiếu giáo viên ở vùng núi. 27 năm công tác ở miền núi, thầy Trịnh Văn Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Pù Nhi huyện Mường Lát chưa bao giờ phải chứng kiếm cảnh thiếu giáo viên trầm trọng, kéo dài như hiện nay.

“Giáo viên thiếu nhiều quá không xoay được. Trường có 12 lớp, tổng có 16 giáo viên, thiếu 8 giáo viên. Giáo viên phải dạy thừa giờ, môn lý-hoá chưa có giáo viên. Nói chung ở miền núi hiếm khi đủ giáo viên lắm, vì cứ đủ là họ lại chuyển về xuôi. Tôi lên đây 27 năm rồi thì may ra được vài năm đủ giáo viên. Đặc biệt chương trình giáo dục phổ thông mới thiếu giáo viên là rất nặng nề”, thầy Cường lo lắng.

Thiếu giáo viên, các huyện miền núi như Quan Hoá, Mường Lát… gặp khó khăn trong việc bố trí tiết học. Theo ông Lê Đức Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Quan Hoá, chế độ chính sách với giáo viên vùng cao hiện chưa thực sự đãi ngộ, giữ chân giáo viên.

“Giáo viên miền xuôi lên công tác nhận 5 triệu đồng trong khi đó tiền xăng, tiền ăn đều tăng… Khó khăn thật sự! Thực tế có một vài trường hợp đã xin thôi việc, hoặc có đủ thời gian xin về quê ổn định cuộc sống”, ông Lê Đức Hiếu dẫn chứng về nguyên nhân làn sóng “di cư” của giáo viên.

Thiếu giáo viên không phải là câu chuyện của riêng huyện nào, mà của hầu khắp các huyện miền núi 2 tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An. Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Với việc áp dụng nhiều môn học bắt buộc ở các cấp học, đòi hỏi đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng.

“Với đà này, thật khó để thực hiện được chương trình giáo dục phổ thông mới. Các huyện miền núi lo nhất là thiếu giáo viên. Không đủ giáo viên mà rãi ra điểm lẻ dạy hết được cả. Trước mắt tỉnh sẽ huy động cả giáo viên THCS dạy tiểu học. Việc đưa học sinh ở bán trú cũng là mục đích đó, vì để học điểm lẻ không đủ giáo viên phân bổ”, ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học-Sở GD-ĐT Nghệ An cho hay.

Mô hình bán trú,“bệ phóng” của giáo dục miền núi

VOV.VN - Bài toán đặt ra với giáo dục miền núi là để thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục miền núi phải xoá bỏ điểm trường lẻ, đưa học sinh về trung tâm, thực hiện mô hình nội trú, bán trú.

Giải pháp hay đối phó?

Để giải bài toán thiếu giáo viên hiện nay, tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá đã và đang đẩy nhanh việc xoá điểm trường lẻ, dồn học sinh về điểm chính; tăng ca, tăng tiết; điều động, sắp xếp, luân chuyển giữa các cấp học, bậc học, giữa các địa phương với nhau… Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp mang tính đối phó. Nhiều trường vì không đủ giáo viên tiếng anh, tin học, bố trí đến các điểm lẻ, đành phải huy động phụ huynh tuần 2 buổi, đưa học sinh ra trung tâm học. Nhiều nơi chưa biết bố trí, sắp xếp phương án thế nào, khi bước vào năm học 2022-2023- năm thứ 3 áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nói như thế để thấy rằng, việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chưa tính toán hết thực trạng, cũng như khó khăn, thách thức của giáo dục miền núi về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên.

Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Thanh Hoá cho biết, nếu khâu đào tạo cân đối được giữa các vùng miền thì có thể giải quyết căn cơ vấn đề này. Còn trước mắt vẫn phải thực hiện nghĩa vụ điều động, khi được tuyển dụng thì lên miền núi công tác với thời gian nhất định nào đó.

“Hiện nay vẫn thực hiện theo phương án điều động đi nghĩa vụ, tức là giáo viên miền xuôi, nhưng nếu mà dôi dư giáo viên thì phải đi nghĩa vụ 2 - 3 năm. Tôi cho rằng, bài toán đó để giải quyết tính tạm thời, còn về lâu dài chúng tôi vẫn muốn xử lý bài toán cân đối về đào tạo”, ông Lựu nêu ý kiến.

Giải pháp là vậy, nhưng không phải muốn là làm ngay được. Việc thu hút được con em đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa  đi học, đi đào tạo, thì các ngành chức năng cần có cơ chế chính sách dài hơi và đồng bộ. Và đúng ra, những giải pháp này phải đi trước một bước, chứ không phải triển khai đồng thời, đại trà với chương trình giáo dục phổ thông mới như ở Thanh Hoá, Nghệ An và cả nước. 

“Chúng tôi xác định các yếu tố vùng miền chênh lệch về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trình độ giáo viên. Giải pháp đối với miền núi là tăng cường mô hình nội trú, bán trú. Chúng tôi cũng tham mưu cho tỉnh để có ý kiến về các chương trình mục tiêu quốc gia và tăng tỷ lệ trường nội trú, bán trú, trên khu vực miền núi”, ông Lựu cho hay.

Rõ ràng, giáo dục miền núi đang đứng trước thách thức vô cùng lớn, và ngay những người làm công tác quản lý giáo dục tại các địa phương này cũng lúng túng, vì chưa biết xử lý thế nào khi bước vào năm thứ 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với những đòi hỏi rất lớn về đội ngũ người thầy, cơ sở hạ tầng, nhất là trang thiết bị phục vụ dạy và học.

Vấn đề đặt ra là, không thể đem giáo dục miền núi để so sánh, tương quan như giáo dục vùng đồng bằng. Vì vậy, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cần có lộ trình thực hiện đối với vùng - miền, sự chuẩn bị về điều kiện cần đi trước một bước, chứ không phải nói là làm ngay được. Nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình với các vùng sâu, vùng xa, thực sự khó khăn, sẽ dễ dẫn đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ mang tính đối phó, hình thức, và thực hiện cho xong.

Xin được nhấn mạnh rằng, việc đổi mới giáo dục là cần thiết, nhưng nếu chúng ta không nhìn thẳng vào thực tế giáo dục miền núi, mà trông chờ quá nhiều vào sự hy sinh, cống hiến từ đội ngũ người thầy và những bước chân nhọc nhằn của học sinh, thì việc đổi mới rất khó thành công.

Và chỉ khi nào, các em nhỏ Lý Thị Dậu, Giàng A Mùa không phải nhọc nhằn trong bước chân đi tìm con chữ; và những người thầy như vợ chồng thầy Hoan, thầy Kỳ, không phải hy sinh cả tuổi xuân nơi miền biên viễn, xa gia đình, xa quê hương, vì tương lai trẻ em vùng cao. 3 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở vùng cao đã cho thấy: hơn lúc nào hết, rất cấn một nghiên cứu vừa khoa học, vừa “thấu hiểu”với giáo dục vùng cao để những hy sinh của thầy Kỳ, thầy Hoan không trở thành vô nghĩa và những bước chân trên đường đến trường của trẻ vùng cao không lạc lõng, bơ vơ.

Trong rất nhiều thách thức đang đặt ra với giáo dục miền núi, giải quyết vấn đề thiếu giáo viên là cấp bách, không chỉ số lượng mà còn phải nâng cao chất lượng đội ngũ người thầy. Cùng với đó là từng bước đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ dạy học. Khi 2 điểm mấu chốt này được tháo gỡ sẽ tạo tiền đề, cơ sở để giải quyết câu chuyện người học – không còn phải “vượt núi tìm chữ” như những nhọc nhằn vốn đã đeo bám biết bao thế hệ thầy trò vùng cao./.