Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý tổ chức một kỳ thi quốc gia chung. Theo đó, kỳ thi này sẽ được thực hiện dựa trên ghép 2 kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) và đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) vào làm một. Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ là cơ sở để các trường ĐH, CĐ thực hiện công tác tuyển sinh.

Chiều nay (9/9), Bộ GD-ĐT chính thức công bố phương án tổ chức kỳ thi quốc gia gia chung năm 2015. Điểm đặc biệt của kỳ thi năm tới là Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức nhiều cụm thi do các trường ĐH chủ trì coi thi và chỉ đạo các cụm thi ở địa phương phải chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan. Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường công tác giám sát xã hội đối với kỳ thi này. Phóng viên báo Điện tử VOV phỏng vấn PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT).

thi-sinh-1.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2014
PV:Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý tổ chức một kỳ thi quốc gia chung. Xin ông cho biết phương án chính thức được Bộ lựa chọn cho kỳ thi này?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Chiều 9/9, Bộ GD-ĐT chính thức công bố phương án tổ chức kỳ thi quốc gia chung năm 2015. Vì vậy, phương án cuối cùng và chính xác sẽ được Bộ GD-ĐT phát ngôn chính thức tới các cơ quan báo chí vào 16h chiều 9/9.

Sẽ có nhiều cụm thi do các trường ĐH và địa phương chủ trì

PV:Ông có thể cho biết phương hướng tổ chức kỳ thi quốc gia chung năm 2015?

PGS.TS Mai Văn Trinh:Việc tổ chức kỳ thi này sẽ dựa trên sự kế thừa những mặt tích cực, thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH, CĐ những năm gần đây và đặc biệt là năm 2014 đã được xã hội thừa nhận và đánh giá cao.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ được tổ chức theo các cụm thi do các trường ĐH chủ trì coi thi. Nếu như trước đây, việc tổ chức theo cụm chỉ được thực hiện ở một vài nơi thì đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Bộ sẽ tổ chức thi theo cụm nhiều hơn. Điều này sẽ có lợi cho thí sinh ở vùng sâu, vùng xa dự thi. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT, không thi ĐH, CĐ, Bộ sẽ tổ chức các cụm thi ở địa phương do chính địa phương chủ trì.

Đề thi sẽ có nhiều câu hỏi “mở”

PV:Vậy đề thi của kỳ thi quốc gia chung sẽ như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Mai Văn Trinh:Đề thi của kỳ thi quốc gia chung sẽ tiếp tục thực hiện theo hướng đánh giá năng lực của thí sinh. Đề thi đánh giá thí sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ của thí sinh. Ngoài ra, còn có các câu hỏi nâng cao để giúp các trường ĐH, CĐ phân hóa, chọn lọc chất lượng thí sinh vào trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Trinh

Đề thi đánh giá năng lực của thí sinh đã được thực hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ trong những năm gần đây và đặc biệt  là năm 2014 nên không có gì là bất ngờ với học sinh. Trong năm 2015, đề thi ra theo hướng này sẽ được phát huy và chuyên sâu hơn.

Cách tổ chức kỳ thi quốc gia chung năm 2015 sẽ nhẹ nhàng, thuận lợi hơn và cơ hội cho thí sinh chọn lựa vào các trường ĐH, CĐ cũng sẽ cao hơn. Như mọi năm, thí sinh nộp hồ sơ dự thi ĐH, CĐ xong thì mới biết kết quả nên có những em đạt số điểm rất cao nhưng vẫn trượt.

Còn  phương thức thi năm 2015 thuận lợi cho thí sinh ở chỗ, các em biết kết quả thi tốt nghiệp THPT là bao nhiêu thì có quyền nộp hồ sơ vào trường ĐH, CĐ nào phù hợp với năng lực, số điểm mà các em đã đạt được. Vì vậy, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ đảm bảo cho thí sinh đạt điểm cao thì chắc chắn sẽ đỗ ĐH, CĐ.

Tăng cường sự giám sát của xã hội

PV:Từ nhiều năm nay, dư luận xã hội luôn hoài nghi về tính trung thực, khách quan của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu như năm nay, kết quả của kỳ thi này sẽ được các trường ĐH, CĐ lấy làm căn cứ để thực hiện công tác tuyển sinh, thì sự lo ngại ấy chưa hẳn là không còn. Để đảm bảo an toàn nghiêm túc cho kỳ thi quốc gia chung 2015, Bộ sẽ chỉ đạo và thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?

PGS.TS Mai Văn Trinh:Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước không có tính chất cạnh tranh nên nhiều học sinh có suy nghĩ là có thể trao đổi bài và cho nhau xem bài. Còn kỳ thi quốc gia chung năm 2015 sẽ là kỳ thi có tính chất cạnh tranh giữa các học sinh với nhau để còn xét tuyển vào ĐH, CĐ nên tình trạng trao đổi bài, cho nhau xem bài sẽ không còn.

Tôi khẳng định là kỳ thi tốt nghiệp THPT trong một vài năm gần đây, đặc biệt là năm 2014 đã được thực hiện nghiêm túc, an toàn hơn. Để đảm bảo an toàn nghiêm túc cho kỳ thi quốc gia chung năm 2015, Bộ chỉ đạo các cụm thi ở địa phương phải chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, thậm chí là có biện pháp “mạnh” để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, sai phạm trong tổ chức, coi thi và chấm thi. Mặt khác, Bộ sẽ tăng cường công tác giám sát xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ đảm bảo an toàn tuyệt đối đề thi, kết quả chấm thi…

PV: Xin cảm ơn ông!./.