Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến của dư luận xã hội về Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia gồm 3 phương án. Cho dù là phương án nào thì Bộ phải thông báo nội dung, hình thức rõ ràng cho cho xã hội biết sớm. Theo đó, Bộ nên công bố phương án cuối cùng của kỳ thi này trước khi khai giảng Năm học mới là điều tốt nhất để người dân và học sinh có tinh thần chuẩn bị. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2014 do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức tại 6 điểm cầu: Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ.

de-thi-mon-lich-su.jpg
Thí sinh xem lại bài làm sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014

Tuy nhiên, sắp bước vào Năm học mới mà đến nay, 3 phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vẫn còn đặt trên bàn thảo luận sôi nhổi, thậm chí còn nhiều ý kiến khác nhau trong giới chuyên gia, nhà nghiên cứu giáo dục, giáo viên và học sinh. Về phía người dân vẫn hàng ngày dõi theo những diễn biến mới nhất của ngành Giáo dục cũng như quyết định cuối cùng từ phía Bộ GD-ĐT về phương án thi hiệu quả nhất. 

Trong khi Bộ GD-ĐT  đang trưng cầu ý kiến của toàn xã hội về kỳ thi THPT quốc gia thì báo Điện tử VOV.VN nhận được hàng trăm ý kiến độc giả bày tỏ mong muốn, dù Bộ GD-ĐT chọn phương án nào thì phải công bố sớm để học sinh và giáo viên không bị động, tránh gây xáo trộn và hoang mang trong dư luận xã hội.

Phương án nào cũng cần có sự chuẩn bị kỹ

Một giáo viên có địa chỉ thư m.map786 mong rằng, Bộ GD-ĐT nên công bố chọn hình thức thi trước 3 năm học, không nên công bố đổi mới thi là có thể đổi mới ngay vì như vậy sẽ khiến nhà trường và học sinh bị động. Trước khi bước vào cấp THPT, nhiều học sinh đã chọn học phân ban nên nếu thi tốt nghiệp THPT theo phương thức mới thì rất thiệt thòi cho các em, đặc biệt là học sinh lớp 12.

Cùng ý với quan điểm trên, bạn bui minh tho cho biết, hiện nay, cách dạy và học ở một số trường đều theo kiểu phân ban, định hướng khối thi ĐH từ khi bắt đầu vào THPT. Đổi mới giáo dục là cần thiết nhưng phải có lộ trình. Nếu thực hiện ngay thì sẽ ảnh hưởng, thiệt thòi cho các em học sinh bây giờ.

Độc giả có tên là Minh Tâm nêu quan điểm, đổi mới thi kiểu gì Bộ GD-ĐT cũng phải nghĩ đến tác động đối với học sinh và giáo viên. Bộ nên công bố phương án ít nhất là 1 năm để mọi người không khỏi bỡ ngỡ và rơi vào tình trạng hụt hẫng vì chuẩn bị không kịp.

Độc giả  Trương Công Bình cho rằng, sau khi chọn phương án hay nhất và công bố thì tốt nhất là 3 năm sau Bộ GD-ĐT hãy thực hiện để mọi người không bị lúng túng khi triển khai và bị động trong cách dạy, học của thầy và trò.

Bạn Quang Thái bày tỏ, năm 2015 không nên thi theo phương án mới. Bộ GD-ĐT nên xét tốt nghiệp THPT cho học sinh.

Độc giả Ngân Hà nêu ý kiến, Bộ GD-ĐT chưa nên áp dụng phương án 2 và 3 ghi trong Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Bộ hãy để đến năm 2017 thực hiện các phương án này.

Bạn Hoàng Minh nói: “Tôi cho rằng, nên chọn thi phương án 1 trong năm 2015. Còn phương án 2 và 3 thì phải đợi thêm một thời gian nữa khi có sự chuẩn bị chu đáo về cách dạy và học, làm quen với đề thi tích hợp”.

Đổi mới thi gắn với phương thức giảng dạy, học tập

Nhiều độc giả cho rằng, đổi mới thi cử là cần thiết để phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước. Bộ GD-ĐT cần xem xét, phân tích kỹ để chọn phương án khả thi nhất. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là đổi mới thi cử phải gắn với thay đổi phương thức giảng dạy, học tập ở trường phổ thông. 

Bạn Hoàng Lý cho rằng: “Mục tiêu đào tạo thế hệ tương lai của chúng ta là gì thì phải tổ chức dạy, học, thi cử và chọn những người đáp ứng được mục tiêu đó. Cần phải mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học, thi cử để đáp ứng mục tiêu giáo dục càng nhanh càng tốt, cứ như hiện nay đào tạo ra nhiều tấm bằng Đại học, Cao học... mà nguồn nhân lực không làm được việc thì đất nước không thể phát triển. Bộ GD-ĐT nên nên xem xét chọn phương án 2 hoặc 3 thì việc dạy học mới có chuyển biến”.

Tuy nhiên, bạnViệt Hùngcho rằng, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc kỹ các phương án thi tốt nghiệp THPT. Những lần cải cách, thay đổi là một sự xáo trộn lớn tới toàn xã hội và con em chúng ta. Bộ nên để cho các trường và học sinh quen với cách dạy, học tích hợp các môn trước. Sau đó vài ba năm mới tổ chức thi tích hợp.

Đồng ý với quan điểm trên, độc giả Đỗ Bất Tri nêu ý kiến: “Muốn thi kiểu gì cũng được nhưng Bộ GD-DT cần phải có chương trình giảng dạy đổi mới từ cơ sở, để các em có kiến thức phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thi cử. Lộ trình cải cách không phải chỉ một vài năm là được”.

Bạn Lê Thị Thu Hà: “Tôi hoan nghênh Bộ GD-ĐT đã có nhiều biện pháp để đổi mới chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, thực tế giảng dạy ở nhiều địa phương còn rất khó khăn nên chưa thể áp dụng ra đề thi tích hợp. Do đó, Bộ cần cân nhắc kỹ phương án cuối cùng, tránh gây hoang mang trong dư luận vì chưa chuẩn bị chu đáo mà đã áp dụng”.

Bạn Minh Châu: “Học tích hợp còn xa lạ ở thầy và trò. Vì thế không nên áp dụng phương án thi theo bài trong năm 2015 mà nên cân nhắc kỹ khi điều kiện giảng dạy, học tập và ổn định tâm lý cho giáo viên và học sinh”.

Độc giả có tên là tamvv cho rằng: “Ngành Giáo dục phải ổn định từ việc quản lý giảng dạy, giáo trình giáo án, chương trình nội dung sách giáo khoa, thi, tuyển trong thời gian dài, có cập nhật bổ sung kiến thức mới về Khoa học tự nhiên theo kịp thế giới là thực hiện tính liên tục kế thừa phát triển, còn cứ thay đổi nhiều là tạo sự đảo lộn trong xã hội”./.