Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 được dư luận xã hội đánh giá cao ở cả khâu tổ chức và chấm thi vì vừa đảm bảo tiêu chí tiết kiệm, gọn nhẹ vừa nâng cao tính công bằng của kết quả thi. Thế nhưng, do có quá nhiều đổi mới chưa hợp lý trong công tác tuyển sinh nên đã dẫn đến tình trạng xáo trộn ở nhiều trường đại học, cao đẳng. Thí sinh và gia đình cũng mệt mỏi, chật vật với việc rút – nộp hồ sơ. Do vậy, cần khá nhiều điều chỉnh cho kỳ thi “2 chung” năm 2016.
Kỳ thi THPT năm 2015 (Ảnh báo Quảng Ngãi). |
Kỳ tuyển sinh năm 2015, mặc dù đưa ra ngưỡng đảm bảo đầu vào là 18 điểm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM vẫn thu hút hơn 11 ngàn hồ sơ đăng ký. Nhưng với chỉ tiêu đã đề ra, trường chỉ có thể nhận vào 4.500 sinh viên theo tiêu chí lấy từ trên xuống. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 6 ngàn thí sinh có nguyện vọng vào trường phải rút hồ sơ để nộp sang trường khác. Tình hình rút - nộp hồ sơ trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 của nhiều trường đại học lớn tại thành phố còn diễn ra phức tạp hơn khi năm nay điểm thi “2 chung” khá cao mà không ít trường tốp trên lại quy định chuẩn đầu vào chỉ 15 điểm.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố, chính việc gộp chung cả tiêu chí xét tốt nghiệp trung học phổ thông vào đề thi khiến lượng thí sinh đạt điểm cao trong năm 2015 tăng đột biến: “Chính đề thi quá dễ đạo tạo ra sự ảo tưởng cho gia đình và các em. Điểm thi 19, 20 của năm 2015 cũng chỉ ngang với điểm 14, 15 của năm trước nhưng phụ huynh vẫn tưởng con em mình giỏi nên ồ ạt vào các trường lớn. Nhiều trường đại học lớn thì phạm sai lầm là đặt ra chuẩn riêng cho từng ngành. Điều này làm không khó. Dữ liệu quốc gia có rồi, các trường phân tích dữ liệu theo từng ngành là đã có thể đặt ra điểm sàn. Tùy theo mức độ khó dễ của đề, các trường có thể ước lượng điểm đầu vào để các em thí sinh không bị hẫng.”.
Nhận định kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 đã đạt được những thành công đáng ghi nhận nhưng Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học, Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, thời gian tới, Bộ GD-ĐT cũng cần có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Trong đó, việc cân nhắc lại điểm ưu tiên, tổ chức các cụm thi và giảm tỷ lệ xét tốt nghiệp dựa trên kết quả thi “2 chung” cũng cần được tính đến: “Nên có sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật về phần kết quả thi trung học phổ thông dùng để xét tốt nghiệp. Nếu chúng ta đặt phần xét tốt nghiệp cao thì sẽ gây áp lực khá lớn cho các em học sinh. Đồng thời, nó cũng làm khó với đội ngũ làm đề thi vì khi đó, đề thi vừa phải đảm bảo kiến thức cơ bản để học sinh xét tốt nghiệp vừa có những kiến thức nâng cao, những câu hỏi mang tính phân loại giúp các trường đại học, cao đẳng tuyển chọn được những người vừa ý.”.
Phương án mà Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính nêu ra là thay vì chia theo tỷ lệ 5-5 như hiện nay, năm 2016, Bộ có thể điều chỉnh giảm tỷ lệ xét tốt nghiệp trung học phổ thông dựa theo kết quả thi xuống còn 25-30%, 70-75 % còn lại xét tốt nghiệp dựa theo điểm trung bình quá trình 3 năm học phổ thông. Như vậy vừa giảm tải cho thí sinh, vừa đánh giá đúng năng lực của các em.
Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM cho rằng, kỳ thi “2 chung” năm nay có nhiều mặt tốt nhưng chỉ mới dừng lại ở việc tạo nhiều cơ hội vào đại học cho thí sinh chứ chưa giúp các em chọn đúng nguyện vọng ngành nghề mà mình yêu thích. Theo Giáo sư Mai Hồng Quỳ, thời gian tới, cần xem xét để bổ sung và sửa đổi Luật Giáo dục. Nếu được, có thể giảm bớt việc thi cử cho những thí sinh chỉ muốn xét tốt nghiệp trung học phổ thông. Đó là điều rất nên làm trong thời kỳ hội nhập: “Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có thể không cần thiết phải được thực hiện mà chúng ta nên xét công nhận các em học sinh đủ chuẩn tốt nghiệp trung học phổ thông. Khi đó, các trường đại học sẽ thực hiện đúng quyền tự chủ của mình trong việc tổ chức thi tuyển. Phương thức thi tuyển, cách thức thi tuyển nên để cho các trường đại học tự chủ”.
Theo đại diện nhiều trường đại học tại TP HCM, năm 2016, Bộ GD-ĐT cần tăng tính chủ động cho các trường, giảm bớt số lượng nguyện vọng đăng ký, rút ngắn khoảng cách các đợt xét tuyển, điều tiết và quản lý tốt việc rút – nộp hồ sơ tránh tình trạng nhốn nháo, điều chỉnh quy chế thi... để thí sinh được đảm bảo quyền lợi cao nhất và các trường cũng hoạt động ổn định hơn. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT tạo cho hay, Bộ sẽ rút kinh nghiệm từ kỳ thi “2 chung” đầu tiên để kịp thời có những điều chỉnh hợp lý trong thời gian sớm nhất: “Sắp tới, Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến đóng góp của dư luận, trên cơ sở đó tiếp tục đưa ra những định hướng cụ thể rồi xin ý kiến các trường cũng như ý kiến rộng rãi của xã hội để có thể đưa ra phương án tốt nhất”.
Thời gian chuẩn bị cho kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2016 không còn nhiều. Vì vậy, các chuyên gia giáo dục và đại diện nhiều trường đại học, cao đẳng cho rằng, ngay từ bây giờ, Bộ GD-ĐT cần rút kinh nghiệm và sớm có những điều chỉnh để kỳ thi “2 chung” năm sau thu về những kết quả khả quan cũng như nhận được sự đồng thuận cao hơn trong toàn xã hội./.