Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai thực hiện với lớp 1 từ năm 2020 và năm học tới tiếp tục là các khối lớp 2, lớp 6. Nội dung, mục tiêu giáo dục thay đổi, khiến phương pháp giảng dạy của thầy cô theo đó cũng khác nhiều với chương trình cũ.
Tại trường tiểu học Cự Đồng (Thanh Sơn, Phú Thọ), để dạy 1 câu chuyện, các em học sinh không chỉ khoanh tay lên bàn, mắt nhìn lên bảng đọc theo cô, mà được hướng dẫn để nhập vai, đóng kịch. Cũng bởi vậy mà tiết học sôi nổi hơn rất nhiều.
Hay để học sinh biết được đâu là những hành động sai, gây ô nhiễm môi trường, giáo viên lại trình chiếu những hình ảnh cụ thể, yêu cầu các em nhận biết và chỉ ra lý do vì sao…
Thực tế, đây là những phương pháp dạy học tích cực đang được các giáo viên áp dụng khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhưng để có những tiết học hấp dẫn với học sinh, giáo viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ về kiến thức chuyên môn, mà cả kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, đặc biệt là phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh.
Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên có đủ các năng lực cần thiết thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiện nay, giáo viên trên cả nước đang được bồi dưỡng các modul thuộc Chương trình ETEP (Bộ GD-ĐT) theo phương thức bồi dưỡng mới. Theo đó, mỗi trường, mỗi địa phương sẽ cử giáo viên cốt cán đi bồi dưỡng với hình thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến bởi chính các giảng viên trường ĐH Sư phạm chủ chốt trên cả nước. Sau đó về địa phương hướng dẫn giáo viên đại trà tự bồi dưỡng trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) với sự hỗ trợ của giảng viên Đại học Sư phạm. Từ hoạt động hỗ trợ của giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm, đã hình thành những cộng đồng học tập online cùng trao đổi kinh nghiệm và kiến thức.
Cô Lê Thị Mai, Phòng GD-ĐT TP Thanh Hóa chia sẻ, các giáo viên cốt cán và giáo viên đại trà đều có các nhóm zalo để thường xuyên trao đổi, giải đáp thắc mắc, đôn đốc giáo viên đại trà hoàn thành và chấm bài.
“Nhiều thầy cô miệt mài trao đổi, học đến 12h đêm, có hôm 5h sáng đã thấy đôn đốc nhau dậy để học. Giáo viên cốt cán tại các địa phương rất vất cả để hỗ trợ, trao đổi, hướng dẫn giáo viên đại trà, vì số lượng giáo viên đông, nhưng các thầy cô đều nhiệt huyết. Thời gian để chuẩn bị cho lớp 2 và lớp 6 không còn nhiều, bản thân mỗi thầy cô đều rất cố gắng”, cô Mai cho hay.
Cô Lưu Thị Yến, giáo viên cốt cán môn Ngữ văn trường THCS TP Thanh Hóa cũng cho biết: “Khi tham gia mô hình bồi dưỡng mới, chúng tôi được trao đổi trực tiếp với các giảng viên từ các trường ĐH Sư phạm để biết thêm nhiều kỹ năng sư phạm mới, phục vụ cho chương trình mới. Cách học cũng thay đổi, các lớp học được thiết kế theo hướng mở, cùng thảo luận nhóm, cùng trao đổi, thay vì hình thức tập huấn trực tiếp hàng trăm giáo viên như họp hội nghị trước đây”, cô Yến chia sẻ.
Cũng theo cô Lưu Thị Yến, mọi giáo viên khi tham gia tập huấn đều có cơ hội tiếp cận tài liệu bình đẳng như nhau trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) với nguồn học liệu đa dạng, có video, inforgraphics... Giáo viên có thể học mọi lúc mọi nơi, trao đổi online với các giảng viên sư phạm và trao đổi với nhau, tránh tình trạng “tam sao thất bản” như bồi dưỡng trước đây. Giáo viên này cũng cho rằng, việc áp dụng CNTT cùng bồi dưỡng giáo viên là cần thiết, giúp giảm tải những áp lực, vất vả cho các giáo viên, tránh phải di chuyển nhiều.
Giảng viên đại học và giáo viên phổ thông được học lẫn nhau
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng trường PTPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho rằng, thách thức lớn nhất của giáo viên khi bước vào thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cần thay đổi thói quen dạy học trước đây, chuyển sang cách tiếp cận mới, biến kiến thức thành năng lực. Năng lực đó bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ, tạo nên năng lực, phẩm chất cho học sinh. Nếu như giáo dục trước đây chú trọng nhiều vào kết quả, thì trong chương trình mới lại chú trọng đến quá trình học tập, như vậy mục tiêu giáo dục thay đổi, công tác tập huấn giáo viên cũng cần thay đổi để áp ứng yêu cầu mới.
Trực tiếp tham gia tập huấn với tư cách cán bộ quản lý và triển khai bồi dưỡng tại trường, cô Thúy cho rằng, việc đưa các trường sư phạm vào bồi dưỡng trực tiếp cho giáo viên phổ thông là cách làm cả 2 bên đều có lợi, là cơ hội để các giảng viên sư phạm có thêm kiến thức thực tế từ các trường phổ thông, còn giáo viên phổ thông lại được tiếp cận với những phương pháp dạy học và giáo dục mới.
“Giáo viên phổ thông hiện nay không có nhiều thời gian đọc tài liệu, nâng cao kiến thức, chính những lý thuyết, kỹ năng từ các giảng viên ĐH sư phạm giúp giáo viên phổ thông học thêm nhiều điều mới. Đây cũng là cơ hội để các trường đại học biết được thực tế việc dạy phổ thông ra sao, từ đó áp dụng ngược lại quá trình đào tạo sinh viên cho sát nhu cầu thực tế, hạn chế việc sinh viên sư phạm ra trường nhưng các trường phổ thông vẫn phải đào tạo hướng dẫn lại”, cô Thúy cho hay.
Về phía các trường đại học sư phạm, TS Lê Quang Vượng, Phó Trưởng ban Quản lý ETEP ĐH Vinh cũng cho rằng, việc bồi dưỡng tạo cơ hội cho cả giáo viên phổ thông và giảng viên sư phạm. Các thầy cô ở bậc phổ thông được bồi dưỡng nghiệp vụ, ngược lại chính giảng viên sư phạm thông qua hoạt động bồi dưỡng và hỗ trợ giáo viên phổ thông tự bồi dưỡng cũng được tiếp cận, nắm bắt thực tiễn, biết được những lý thuyết nghiên cứu được ứng dụng ra sao trong trường phổ thông, từ đó thay đổi phương pháp nghiên cứu, giảng dạy để có hiệu quả tốt hơn.
Theo Bộ GD-ĐT, đến ngày 11/3/2021 đã hoàn thành bồi dưỡng 3 mô đun (1, 2, 3) cho gần 30.000 giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, vượt chỉ tiêu so với yêu cầu bồi dưỡng cho 28.600 giáo viên, cán bộ quản lý cơ ở giáo dục phổ thông cốt cán.
Về bồi dưỡng đại trà, đã có 344.503 giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành mô đun bồi dưỡng 1 và 2. Tính đến mốc 30/3 sẽ có thêm hơn 84.000 người hoàn thành 2 modul này. Hơn 20 địa phương đã bồi dưỡng đại trà cho hơn 90% cán bộ, giáo viên; nhiều địa phương bồi dưỡng đạt trên 70%.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu tiếp tục nỗ lực làm tốt hơn nữa, có giải pháp hợp lý và kịp thời để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai. Trong đó, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý đến giải pháp nâng cao vai trò và hiệu quả công tác hỗ trợ đồng nghiệp giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán. Mục tiêu là 100% giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán phải có kế hoạch và hoàn thành kế hoạch hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán, đại trà tại trường/cụm trường.
Riêng vấn đề kinh phí bồi dưỡng cán bộ, giáo viên đại trà mà nhiều địa phương đang gặp khó khăn do chưa có hướng dẫn thực hiện, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các đơn vị liên quan thuộc Bộ nghiên cứu để có giải pháp tổng thể “gỡ khó” cho cơ sở./.