Bộ GD-ĐT cho biết, tỷ lệ sinh viên sư phạm tốt nghiệp và có việc làm trong ngành giáo dục sau 3 tháng là trên 50%. Như vậy, số lượng sinh viên không theo ngành sư phạm sẽ làm việc ngoài ngành. Điều này dẫn đến việc đầu tư của nhà nước sẽ không mang hiệu quả như mong đợi, sự “thất thu” trên bình diện đầu tư sẽ diễn ra.
Mặc dù được hưởng chính sách miễn học phí nhưng có tới 50% sinh viên sư phạm ra trường không làm việc trong ngành sư phạm. Chính sách này đã gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước mỗi năm, tạo sự mất công bằng với sinh viên các ngành khác.
Mặc dù được hưởng chính sách miễn học phí nhưng có tới 50% sinh viên sư phạm ra trường không làm việc trong ngành sư phạm. (Ảnh minh họa) |
Lãng phí hàng trăm tỷ đồng
Những năm qua ngân sách nhà nước dành để thực hiện chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm không nhỏ. Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên. Mặc dù những năm gần đây có tình trạng dư thừa giáo viên, Bộ GD-ĐT đã giảm dần chỉ tiêu đào tạo sư phạm, nhưng thực tế mức kinh phí từ ngân sách dùng để cấp bù học phí cho trường sư phạm vẫn tăng đều đặn hằng năm. Ví dụ, năm 2013, dự toán của Bộ GD-ĐT về mức chi ngân sách bù học phí cho sinh viên sư phạm các trường đại học, cao đẳng và cấp bù miễn giảm học phí tăng hơn 440 tỷ đồng và năm 2014 dự toán ngân sách phân bổ cho nhiệm vụ này lại tăng lên hơn 484 tỷ đồng.
Bộ GD-ĐT cho rằng, việc được miễn giảm học phí là một trong những lý do chính, thu hút được khoảng 50,5% sinh viên chọn ngành sư phạm. Chính sách này đã phát huy tác dụng khi thu hút thí sinh đăng ký học ngành sư phạm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những sinh viên này có thực sự phù hợp với yêu cầu của ngành cũng như có nhiều sinh viên giỏi vào ngành sư phạm hay không?. Thực tế đã có số lượng không nhỏ sinh viên chọn ngành sư phạm vì lý do miễn học phí. Nghiên cứu tại trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long đã góp phần minh chứng cho điều này khi đưa ra kết luận: 36,54% tỷ lệ sinh viên năm thứ nhất chọn học tại trường với lý do “Miễn học phí”. Như vậy, điều này còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hướng nghiệp, nhiều em ra trường lại theo đuổi đam mê ở ngành nghề khác.
Kết quả kháo sát cũng cho thấy, có 13,7% sinh viên khẳng định gia đình họ có khả năng đóng tiền học phí, 18,8% sinh viên khẳng định bản thân có khả năng tự đóng học phí, 22,1% sinh viên khẳng định vẫn tiếp tục học ngành sư phạm dù không được miễn học phí. Cùng với sự thay đổi của đời sống kinh tế - xã hội, vì thế, việc đáp ứng được học phí cho con đi học không còn là nỗi lo lắng của nhiều gia đình, việc thu hút học sinh giỏi bằng hình thức miễn học phí đã không còn nhiều tác dụng. Đặc biệt là, việc sinh viên sư phạm ra trường khó kiếm việc làm, lương thấp, áp lực công việc cao cộng với những đãi ngộ và vị thế của giáo viên không còn được đánh giá đúng mức là rào cản rất lớn trong việc thu hút những học sinh giỏi vào các trường sư phạm cũng như thu hút nhân lực có tiềm năng trở thành nhà giáo.
Theo quy định, để được hưởng chính sách miễn học phí, sinh viên phải có cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ phục vụ trong ngành giáo dục và đào tạo. Nhưng trên thực tế, trong quá trình thực thi chính sách này, không có bất cứ cơ quan, đơn vị hay bộ phận nào để kiểm tra xem sinh viên có thực hiện đúng cam kết hay không. Điều đó dẫn đến, một số lượng không nhỏ SV sau khi tốt nghiệp đã chuyển sang làm ngành nghề, lĩnh vực khác do không tìm được việc làm trong ngành hoặc do sức hấp dẫn ở các ngành nghề khác. Điều này dẫn tới sự phí phạm ngân sách Nhà nước đầu tư cho những sinh viên này và tạo ra sự bất công bằng so với những sinh viên của các ngành nghề khác. Chính sách này cũng ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước và không đẩy mạnh các giải pháp đầu tư có chất lượng hay đầu tư trọng điểm.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng: Thực tế chính sách này không còn hiệu quả, vì lâu nay chúng ta đã thấy tình trạng sinh viên sư phạm ra trường nhưng không làm trong ngành là phổ biến. Trước đây ngân sách rót về lớn thì học phí không đóng vai trò quyết định, nhưng khi ngân sách Nhà nước hạn hẹp thì học phí lại đóng vai trò quyết định, vì vậy nhiều trường muốn xóa bỏ chính sách miễn học phí này để được tự chủ.
TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM cũng nêu quan điểm: Nên bỏ chính sách miễn học phí cho SV sư phạm. Chính sách này gây nhiều lãng phí, trong khi sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều, hoặc làm cho nơi khác chứ không phục vụ cho sư phạm. Đồng thời, trường sư phạm ít có cơ hội được đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện dạy học từ nguồn học phí cấp bù, không chủ động hoàn toàn theo cơ chế tự chủ cũng là một tác động ngược.
Nhiều lãnh đạo các trường chỉ ra, do chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm, kinh phí hoạt động của các trường sư phạm chủ yếu trông chờ vào ngân sách Nhà nước được tính trên đầu số sinh viên. Do đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, các phương tiện dạy học hiện đại hay các dụng cụ cho thí nghiệm, thực hành để nâng cao chất lượng đào tạo là nỗi khó khăn đối với các trường sư phạm.
Tìm giải pháp để tiếp tục thu hút sinh viên giỏi
Trước những bất cập của chính sách trên, Bộ GD-ĐT đã có dự thảo đề xuất bỏ chính sách không thu học phí của sinh viên sư phạm, thay bằng chính sách cấp học bổng, ưu tiên trong tín dụng. Về cơ chế bồi hoàn học phí và sinh hoạt phí: sinh viên ra trường làm trong ngành sư phạm tối thiểu trong thời gian 5 năm sẽ không phải trả khoản tín dụng học phí và sinh hoạt phí. Nếu trong vòng 2 năm sau khi ra trường, sinh viên không công tác trong ngành sư phạm sẽ phải thực hiện hoàn trả khoản vay học phí và sinh hoạt phí trong vòng 3 năm tiếp theo. Sinh viên ra trường có làm trong ngành sư phạm, tuy nhiên thời gian công tác trong ngành chưa đủ 5 năm cũng sẽ phải hoàn trả khoản vay học phí và sinh hoạt phí. Bộ khẳng định, phương án trên sẽ đảm bảo để các trường sư phạm vẫn có thể thu hút người giỏi vào học, đồng thời tạo được sự công khai, minh bạch, bình đẳng trong việc thu và sử dụng học phí sư phạm so với các ngành học khác.
GS.TS Phạm Tất Dong, Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam: “Giải pháp mấu chốt vẫn là đảm bảo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp chứ không phải là miễn học phí. Tuy nhiên, trước tiên phải quy hoạch lại các trường sư phạm, tính toán đào tạo giáo viên thật chính xác, đúng theo nhu cầu thực tế chứ không phải cứ giao chỉ tiêu đào tạo tràn lan như hiện nay. Điều đó cũng là nguyên nhân chính khiến cho nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm. Đồng thời, việc tuyển dụng phải gắn với đào tạo, chứ hiện nay Bộ GD-ĐT cứ đào tạo còn Bộ Nội vụ lại tuyển dụng nên chẳng ai chịu trách nhiệm để làm sao cho cung phù hợp với cầu”.
TS Đỗ Văn Dũng đề xuất: “Giải pháp tốt hơn hết là cho vay tín dụng, em nào học thì cho vay tiền. Nếu ra trường làm sư phạm thì sẽ hoàn trả cho các em, còn nếu làm ngoài thì các em phải trả lại số tiền này”. Với giả thiết, nếu bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm sẽ làm các trường khó khăn hơn trong việc tuyển sinh thì ông Dũng cho rằng, phải chấp nhận vì đầu ra là quan trọng, nếu như có việc làm thì kể cả đóng học phí các em vẫn hào hứng để thi vào.
Bộ GD-ĐT đang rà soát quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, đồng thời phối hợp với các trường để thực hiện giao chỉ tiêu và kinh phí cho các trường sư phạm. Tiến tới sẽ cấp kinh phí theo cơ chế đặt hàng đào tạo để các trường đảm bảo đủ nguồn chi trả chi phí đào tạo và đầu tư phát triển trường; tiếp theo sẽ tính toán đến phương án đảm bảo đầu ra (việc làm) cho sinh viên./.
Sinh viên sư phạm hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 bị buộc thôi học?
Chính sách ưu đãi tín dụng có thu hút được sinh viên sư phạm?
Miễn học phí, cho vay ưu đãi với sinh viên sư phạm?