Tại Lễ khai giảng năm học mới 2012-2013 của trường THPT Chu Văn An, Hà Nội vào sáng 4/9, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành giáo dục thủ đô cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Buổi lễ đã vinh dự nhận lẵng hoa chúc mừng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Đánh trống khai giảng và phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích mà ngành giáo dục thủ đô nói chung và trường THPT Chu Văn An nói riêng đạt được trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục thủ đô làm tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm, nhất là Chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2020 nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, coi đây là khâu đột phá, phát triển mạng lưới trường lớp; đổi mới phương pháp dạy và học, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, thực hiện phương châm dạy chữ, dạy người, dạy nghề.
Phó Thủ tướng nêu rõ: “Cần quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cả về số lượng và chất lượng, làm tốt công tác quy hoạch nguồn nhân lực của ngành giáo dục, quan tâm chăm sóc đời sống giáo viên cả về vật chất và tinh thần. trong bối cảnh cả nước đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng thì ngành giáo dục thủ đô cần chú trọng thực hiện tốt công tác này, đồng thời làm tốt công tác phát triển Đảng về phấn đấu đạt số lượng giáo viên là đảng viên theo đúng kế hoạch của thành phố”.
Đối với trường THPT Chu Văn An, Phó Thủ tướng yêu cầu nhà trường phát huy truyền thống tốt đẹp, thực hiện những nhiệm vụ chung của ngành giáo dục thủ đô, tập trung đào tạo học sinh không chỉ giỏi về các môn khoa học mà còn giỏi về ngoại ngữ, kỹ năng sống, có tư duy sáng tạo, tinh thần nghiên cứu khoa học. Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng; Huy động các nguồn lực đầu tư, ứng dụng có hiệu quả các phương tiện dạy học hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới./.