Sáng 24/3, tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Vỉa hè-chống ùn tắc và trách nhiệm công dân” ở Hà Nội, khẳng định việc lập lại trật tự vỉa hè đã được quy định trong các quy định của pháp luật, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, chức năng của vỉa hè, của lòng đường, lề đường cũng như có quy định sử dụng phần diện tích này cho các hoạt động giao thông và một số hoạt động phi giao thông (thuộc quy định của địa phương). Luật không có câu nào nói vỉa hè chỉ để đi bộ cả, chỉ có điều chức năng căn bản của nó là đi bộ phải được đáp ứng đầu tiên.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Trong việc lâp lại trật tự kỷ cương của vỉa hè, nhiều người thích câu nói việc làm này phải “có tình, có lý" nhưng ông Hùng đưa ra quan điểm ngược lại phải nói “có lý, có tình”.
“Lý chính là pháp luật, là thoả thuận, cam kết của hơn 90 triệu người dân Việt Nam trong việc thực hiện hành vi bảo vệ chức năng giao thông của vỉa hè và cái tình quan trọng nhất là làm sao giữ được cam kết ấy để bảo vệ được đại đa số quyền lợi của người dân. Không thể để vài cá nhân mà hy sinh quyền lợi của 90 triệu người dân. Cái tình ở đây cần phải hiểu cho đúng”, ông Hùng cho hay.
Lực lượng chức năng phường Đồng Xuân, Hà Nội ra quân dẹp lấn chiếm vỉa hè trên phố Hàng Khoai. |
Đặt niềm tin tưởng và chia sẻ với lãnh đạo các địa phương trong lập lại trật tự vỉa hè đang thực sự đi vào đời sống của nhân dân, theo ông Hùng, bản thân những người có quyền lợi bị ảnh hưởng cũng đa số ủng hộ, chỉ số ít nói muốn làm nhẹ nhàng đi, mềm dẻo. Trong quá trình triển khai và thực thi pháp luật, thậm chí có cá nhân có thể vi phạm nhưng rất ít.
“Bản thân tôi là người trực tiếp chạy bộ trên vỉa hè ở những tuyến phố khó khăn nhất về vỉa hè như Đội Cấn, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng... sau 4 ngày Hà Nội ra quân, hầu hết những người bị đập bậc tam cấp của nhà mình cũng đều ủng hộ, chỉ có điều họ mong muốn phải công bằng”, ông Hùng dẫn chứng.
Một thực tế cho thấy, dọn dẹp, xử lý lấn chiếm vỉa hè đã khiến nhiều diện tích trước đây có công năng đỗ xe máy, đỗ ô tô bị thu hồi. Câu hỏi đặt ra, vậy người dân sẽ đỗ xe ở đâu? Theo các chuyên gia giao thông đô thị, không riêng gì Hà Nội mà các đô thị khác cần phải phải sắp xếp lại diện tích vỉa hè, lòng đường một cách khoa học và quản lý được nó thì vừa mới đảm bảo được giao thông tĩnh vừa không bị tái lấn chiếm vỉa hè.
Là một người ủng hộ quản lý trật tự giao thông đô thị, chuyên gia Lương Hoài Nam cũng chỉ ra bản chất lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật đồng thời đặt ra câu hỏi tại sao khi đã quy định rõ trong luật mà vẫn khó khăn trong thực hiện? Nguyên nhân cơ bản do đây là hành vi chiếm dụng của công thành tư, như cha ông ta thường nói “đất có thổ công, sông có hà bá”.
Giải thích rõ hơn, theo ông Nam, về pháp luật, “thổ công” ở đây chính là toàn dân vì đó là đất công. Tuy nhiên, thực tế khi vỉa hè bị lấn chiếm, vai trò “thổ công” bị đánh tráo, toàn dân không phải thổ công nữa mà là “ông khác”.
“Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đã lên tiếng về thực trạng có lực lượng ‘bảo kê’ cho hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Cuộc chiến lập lại trật tự, kỷ cương đang diễn ra vô cùng khó khăn. Lý do chính bởi lợi ích từ việc lấn chiếm này rất lớn”. ông Nam chỉ ra thực tế.
Lực lượng chức năng phường Trung Liệt, Đống Đa ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè trên phố Xã Đàn. |
Đồng quan điểm, ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải cho rằng: Theo thống kê và tính toán của các địa phương, những người nghèo bán hàng rong mà cuộc sống của họ và gia đình buộc phải bám vào hoạt động trên vỉa hè có tỷ lệ chiếm rất ít trong số các đối tượng đang chiếm dụng vỉa hè trái phép hiện nay. Chính vì vậy, khi xây dựng chính sách về vỉa hè thì đối tượng này sẽ được ưu tiên sử dụng 1 phần vỉa hè để phục vụ cho kinh doanh của họ một cách trật tự và địa phương phải quản lý được những đối tượng này.
Sẽ xử lý cán bộ xã trong vụ dọn dẹp vỉa hè chặt luôn cả cây
“Rà soát các tuyến phố nào mà mặt cắt trên 7 m và lưu lượng ít thì có thể cho trông xe dưới lòng đường với những công nghệ mới, tôi nghĩ với công nghệ mới thì sẽ không loạn phí. Trong đề án sắp tới mà chúng tôi đang xây dựng với sở GTVT thì khu vực nội đô từ vành đai 2 trở vào…”, ông Lê Đỗ Mười nói.
Tại hội thảo, đa số ý kiến nhất trí, phải xác định tất cả diện tích vỉa hè mà trong đô thị phải được quản lý đầy đủ, chính xác và xin nhắc lại lần nữa là nhu cầu đi bộ, chức năng đi bộ là chức năng đầu tiên mà vỉa hè phải thỏa mãn./.