Chị Cao Thị Hoàng Anh - một người dân sống tại phường 15 - một trong các phường tâm dịch của quận Gò Vấp cho biết, việc thực hiện lệnh giãn cách xã hội không gây xáo trộn nhiều đến các sinh hoạt của gia đình và bản thân chị thực hiện khá thoải mái vì công ty nơi chị làm việc ở quận 3 cho phép nhân sự sống ở quận Gò Vấp được phép làm việc từ xa.
“Chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý sẵn vì biết sẽ có những lúc phải như vậy để phòng dịch, nên tinh thần mọi người đã vực lên rất nhanh. Sinh hoạt gia đình bình thường, nhà mình ngay chợ, ngay siêu thị nên tất cả các món đồ cần thiết lúc nào mình cũng có thể mua được hết nên không phải lo lắng trữ đồ gì cả. Người ta vẫn cho phép người dân đi làm chứ không phải cấm hẳn nên mình cũng thấy dễ dàng, bình thản, không có gì khó khăn hết”- chị Hoàng Anh nói.
Tương tự, ông Trần Quang Cường, một người dân ở phường 5, quận Gò Vấp cũng cho biết, do luôn theo dõi tin tức, nắm rõ tình hình nên cả gia đình ông cũng như người dân trong khu phố nơi ông sống đều hiểu, đồng lòng và nghiêm chỉnh chấp hành với các quyết sách, chủ trương của thành phố trong việc phòng chống dịch.
“Các cửa hàng thực phẩm, các hoạt động mua bán phục vụ nhu cầu thiết yếu vẫn diễn ra bình thường. Việc chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là việc cần thiết nên chúng tôi có gặp khó khăn nhưng vẫn chấp hành nghiêm, nhà nào ở nguyên nhà đó, khu phố nào ở nguyên khu phố đó, chỉ ra ngoài khi thật cần thiết”- ông Cường cho biết.
Còn chị Trần Thị Lan, một cư dân sống ở hẻm 245 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 - nơi vừa bị rào chắn phong tỏa nghiêm ngặt từ 10h sáng 31/5 cho biết đây là lần thứ 2 khu Mã Lạng này bị phong tỏa, cư dân trong khu phố ban đầu có lo lắng và buồn nhưng vẫn chấp hành để chống dịch. Những người sống ngoài khu vực phong tỏa cũng hỗ trợ cư dân ở đây bằng việc tiếp tế lương thực, thực phẩm, mua đồ giúp cho nhau.
"Người quen ở ngoài mua đồ giúp rồi chuyển vào, mình ra chốt lấy. Phong tỏa thì không đi làm được nên kinh tế cũng bị ảnh hưởng, cũng hơi buồn, lo lắng do lần này phải cách ly 21 ngày. Nhưng giờ dịch lây lan quá nhiều nên mình vẫn phải chấp hành”- chị Lan chia sẻ.
Ông Jaipal Tuttle- một nhà nghiên cứu người Mỹ đang sống ở chung cư Riviera Point, Quận 7 - nơi cũng đang bị phong tỏa do có ca nhiễm cho biết, ông cũng không gặp khó khăn gì vì ở đây ông được lực lượng chức năng và ban quản lý tòa nhà quan tâm, hướng dẫn tận tình. Đồng thời, ông vẫn có thể đặt mua thực phẩm qua các ứng dụng công nghệ.
"Chính phủ, các bác sĩ, lực lượng công an Việt Nam và ban quản lý tòa nhà đang làm rất tốt. Họ làm mọi thứ tốt nhất không chỉ cho công dân Việt Nam mà cả những người nước ngoài như tôi. Vì thế tôi rất vinh dự và hạnh phúc để ở đây và hợp tác phòng dịch."- ông Jaipal cho biết.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách, phong toả là rất cần thiết, trong đó quan trọng nhất là ý thức chấp hành của người dân. Phần lớn người dân ở quận Gò Vấp, TPHCM, nơi thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã sắp xếp được cuộc sống và công việc của mình để có thể góp phần chống dịch tốt nhất./.