Một trong những hoạt động nổi bật trong công tác mặt trận thời gian vừa qua là công tác giám sát, phản biện. Đặc biệt, năm 2014, năm đầu tiên Mặt trận triển khai giám sát, phản biện xã hội theo Hiến pháp năm 2013 và chỉ đạo của Bộ Chính trị theo Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW về ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền. Trong năm, Mặt trận đã phối hợp với các Bộ, ngành ký 5 chương trình phối hợp giám sát, trong đó có chương trình giám sát thực hiện chính sách người có công và bảo hiểm cho người lao động được nhân dân rất đồng tình.

Làm thế nào để ai cũng có khả năng giám sát

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, lâu nay, giám sát quyền lực, Quốc hội đã làm nhưng Đại biểu Quốc hội cũng chỉ có gần 500 người, đại biểu hội đồng nhân dân cũng vài trăm người trong khi đó nhân dân thì có hàng chục triệu người. Làm thế nào để những người còn lại cũng có khả năng giám sát…

ong_nhan_oacm.jpgÔng Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Theo đó, Mặt trận phối hợp với Chính phủ để thực hiện vai trò giám sát của mình và yêu cầu các Bộ, ngành tham gia. Năm 2014, bước đầu làm rõ cơ chế, giám sát Mặt trận là giám sát của nhân dân nên nhân dân thấy chỗ nào có nhu cầu thì Mặt trận giám sát. Nhưng giám sát này phải theo cơ chế chỉ đạo của Đảng, nhà nước quản lý, cho nên Mặt trận phải phối hợp với chính quyền.

Trong năm qua, Mặt trận đề xuất và ký kết với một số cơ quan triển khai giám sát 5 vấn đề nhân dân bức xúc: rà soát chính sách đối với người có công; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp; giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân; giám sát nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở và Chương trình phối hợp trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của công dân. Và theo đó, các bộ, ngành, các địa phương phải có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận vì Mặt trận không thể làm một mình…

“Về cơ bản, giám sát của Mặt trận sẽ triển khai từ các địa phương chứ không phải Trung ương. Trung ương chỉ định hướng, chỉ đạo và tạo cơ chế. Đó cũng là xu hướng giám sát mà Mặt trận sẽ tiến hành thực hiện trong năm 2015 và những năm tiếp theo”- ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, mặt trận đang có rất nhiều thuận lợi. Mặt trận có truyền thống lâu đời, hiện có 46 tổ chức thành viên, trong đó có có 5 đoàn thể chính trị - xã hội… cùng với sự quan tâm của Đảng ngày càng cụ thể hơn, thể hiện qua Quyết định 217, 218, đặc biệt Hiến pháp 2013 đã khẳng định Mặt trận là người đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Điều 9 trong Hiến pháp đã làm rõ Mặt trận có trách nhiệm giám sát phản biện xã hội.

Mặt trận phải lắng nghe một cách có chọn lọc

Tuy nhiên, công tác Mặt trận vẫn còn đó những khó khăn. Hoạt động Mặt trận nếu đọc thoáng qua thì hiểu, báo cáo năm nào cũng làm những công việc như phát động các phong trào, các cuộc vận động, làm từ thiện. “Vậy làm thế nào để Mặt trận làm tốt hơn vai trò cầu nối giữa Đảng, nhà nước và nhân dân nếu như không đổi mới thực sự nội dung, phương thức hoạt động. Chỉ riêng việc nhân dân suy nghĩ, góp ý gì, Mặt trận phải tập hợp một cách có hệ thống, có tổ chức, phản ánh đúng chỗ, kịp thời để tiếp thu, khắc phục... không phải là việc dễ dàng. Có thể nói, nhiệm vụ then chốt của Mặt trận hiện nay chính là tuyên truyền, vận động nhân dân; phản ánh ý kiến nhân dân tới Đảng, Nhà nước và giám sát, phản biện. Tất cả những việc này phải cho làm đạt yêu cầu thì nhiệm vụ của MTTQ mới hoàn thành”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, nhân dân có nhiều tầng lớp, do đó công tác Mặt trận là phải lắng nghe nhiều người một cách có chọn lọc để phản ánh kịp thời. “Ví dụ, một năm có 2 kỳ họp Quốc hội, năm nào cũng vậy, mỗi kỳ, Mặt trận tập hợp trên dưới 2.000 ý kiến nhưng chỉ được trình bày trong 15 phút trước Quốc hội. Năm vừa qua, Mặt trận đã thay đổi cách làm. Khi tiếp nhận ý kiến, chúng tôi đã phân loại ý kiến nào chiếm tỉ lệ cao, có được minh hoạ thống kê hoặc phải là những ý kiến chọn lọc thì mới lựa chọn. Và năm qua, Mặt trận chỉ nêu 6 vấn đề được đông đảo cử tri đồng tình. Sau mỗi lần như thế, có từ 6 - 9 Bộ trưởng đã viết thư phúc đáp ý kiến Mặt trận nêu”.

Cùng với đó, đổi mới nội dung và phương thức thực hiện đang là nhiệm vụ tiên quyết của công tác Mặt trận, đặc biệt là các cuộc vận động, các phong trào. Yêu cầu đổi mới lúc này là hoạt động của Mặt trận phải đi đôi với việc phát huy vai trò các tổ chức thành viên.

“Ví dụ, trong công tác giảm nghèo, không thể một hộ thoát nghèo ai cũng nhận. Mặt trận phải phối hợp với các tổ chức thành viên để mỗi nơi phải nhận một việc cụ thể. Ở một xã còn 50 hộ nghèo thì Hội Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ... phải có trách nhiệm đứng ra, chia nhau mỗi nơi đỡ đầu bao nhiêu hộ thoát nghèo…”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng trăn trở, lịch sử MTTQ Việt Nam đã bước sang năm thứ 85, nhưng ở ngay thời điểm này, trong đội ngũ những người làm Mặt trận cũng chưa hiểu hết Mặt trận. “Chúng tôi đang bàn về sự cần thiết có một cuộc tìm hiểu trong hệ thống Mặt trận để ôn lại lịch sử. Thông qua cuộc tìm hiểu này, người làm Mặt trận sẽ hiểu thêm vai trò Mặt trận qua mỗi thời kỳ và mỗi thời kỳ đều phải chịu sự thách thức ra sao. Có thách thức thì cũng là chuyện bình thường nhưng phải nhận biết và chỉ rõ được thách thức đặc thù để có giải pháp thực hiện mà vươn lên”./.