Gia đình ông Đỗ Văn Kỳ (54 tuổi) ở thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái (Thường Tín, Hà Nội) hơn 40 năm nay vẫn theo nghề làm đèn cù và những món đồ chơi trung thu truyền thống. Công việc bắt đầu từ tháng 6 đến giữa tháng 8 (âm lịch) hàng năm. |
Cái tên của chiếc đèn ông sư hay đèn cù cũng xuất phát từ hình dáng của nó, chiếc chao đèn có hình giống mũ hòa thượng và khi kéo đi đèn sẽ quay như cái cù. Đây là một gia đình hiếm hoi còn làm đèn cù ở Hà Nội mỗi dịp Trung thu về. |
Để làm được một chiếc đèn cù, những người thợ mất rất nhiều thời gian từ chẻ nứa, vót nan đến làm bánh xe, dán giấy màu... và thường làm theo từng công đoạn. Gia đình tập trung làm đèn cù vào dịp Trung thu nhưng những vật liệu được chuẩn bị từ quanh năm. |
Nứa để làm chao đèn được chọn mua từ những ngày cuối năm trước. "Cây nứa được mua từ cuối năm trước nhằm tránh mọt cũng như có độ dẻo dai", ông Kỳ nói. |
Trước kia, cây đay làm cán đèn thường mua ở Hưng Yên nhưng thời điểm hiện tại, gia đình ông Kỳ phải tự trồng. |
Đèn quay nhờ bánh xe làm từ gỗ xoan, gỗ bồ đề, một cạnh tiếp xúc với đế đèn, cạnh kia lăn trên đất. Những điểm tiếp xúc đều được cố định bằng đinh sắt. |
Học làm đèn cù từ thế hệ trước, hơn 40 năm gắn bó với nghề, ông Kỳ luôn có chút buồn vì nghề truyền thống đang dần mai một. "Trước kia, nhiều hộ dân trong làng làm đồ chơi Trung thu truyền thống nhưng do nguồn thu không nhiều nên họ chuyển nghề khác", ông Kỳ chia sẻ. |
Chiếc chao đèn sau khi được dán giấy có màu sắc rực rỡ, láp lánh. Đèn cù làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó nên nhiều tiểu thương mua hàng phố Hàng Mã thường phải đặt trước. |
Mỗi dịp Trung thu, gia đình ông Kỳ làm ra khoảng 3.000 chiếc đèn cù phục vụ trẻ em chơi Tết Trung thu. |
Bà Đỗ Thị Xuân (vợ ông Kỳ) miệt mài với những món đồ chơi truyền thống. Bà cho biết, những ngày tháng 8, gia đình bà "ăn ngủ" với những món đồ chơi này. |
Bên cạnh đèn cù, đèn thỏ cũng được gia đình bà Xuân làm theo đơn khách hàng đặt. |
Hình ảnh chiếc đèn thỏ đã hoàn thiện. |