Tưởng chừng như đã bị lãng quên theo thời gian nhưng những năm gần đây, các mặt hàng đồ chơi Trung thu truyền thống được làm thủ công đã tìm lại được vị thế của mình, trong đó có làng đồ chơi Ông Hảo (Liêu Xã, Yên Mỹ, Hưng Yên). Ảnh: Khuôn gỗ được phơi nắng. |
Về thăm làng Ông Hảo vào những ngày này không khí luôn tất bật, hối hả, cả làng tập trung vào việc sản xuất đồ chơi Trung thu. Tiếng máy, tiếng gõ cứ "cạch cạch" vang từ đầu làng đến cuối xóm. Ảnh: Khuôn trống được khoan theo kích cỡ trống. |
Ông Vũ Văn Hởi (61 tuổi), là đời thứ 3 của một gia đình có truyền thống (4 đời) làm trống Trung thu chia sẻ, ở làng Ông Hảo từ xưa vốn có rất nhiều nhà làm trống, cứ đến dịp Trung thu là khắp làng đều có tiếng đóng trống “cạch cạch”, nay chỉ còn khoảng 5 - 6 nhà vẫn còn làm, trong đó có gia đình ông. Ảnh: Mặt nạ giấy bồi được các nghệ nhân vẽ thủ công. |
Rất nhiều gia đình, đặc biệt là thế hệ trẻ hơn bây giờ đã bỏ nghề để đi làm ở bên ngoài. Theo ông Hởi, việc làm trống lãi lời không nhiều nhưng cũng khá ổn định, là nghề gia truyền từ đời trước để lại nên dù bán trống lãi được nhiều hay được ít, ông vẫn cố giữ lấy nghề. |
Ông Hởi cho biết, trước kia mặt hàng trống có nguy cơ bị xóa sổ bởi một “rừng” đồ chơi Trung Quốc mỗi dịp Trung thu khiến ông luôn đau đáu, trăn trở tìm ra hướng đi mới. Ảnh: Các khung trống được sơn, phơi trước khi bọc mặt bằng da trâu. |
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều thông tin cho biết đồ chơi Trung Quốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe, khiến người tiêu dùng hoang mang. Nhu cầu tìm mua các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ngày càng cao lên. Ảnh: Trống sau khi đã hoàn thành để xuất đi. |
Hiện nay, không chỉ có nhà ông mà các gia đình làm trống tại làng đang gấp rút sản xuất để trả hàng cho khách. Theo ông Hởi đánh giá, một lần nữa, những chiếc trống hay đồ chơi của làng Ông Hảo lại có dịp được hồi sinh trên thị trường. Ảnh: Mặt nạ làm bằng giấy bồi rất đa dạng. |
Bà Nguyễn Thị Lành (60 tuổi, có thâm niên làm nghề hơn 30 năm) chia sẻ, có những năm, mặt hàng trống trung thu Ông Hảo bị “thất sủng”. Trống ế mang về nhiều, thêm vào đó thời tiết mưa gió làm trống bị ẩm, mặt trống bị đen, tiếng bị tịt… khiến nhiều gia đình mất cả “khí thế” bán hàng. Ảnh: Người thợ đánh bóng trong khi làm trống. |
Tuy nhiên, những năm gần đây, sau khi hàng Việt Nam lên ngôi, trống bán có phần chạy hơn hẳn. Trong năm nay, gia đình đã làm hàng nghìn chiếc trống bán đi khắp đất nước. Ảnh: Người thợ dùng súng bắn ghim để bọc mặt trống. |
Qua tìm hiểu, đồ chơi nơi đây không giống như đồ chơi nhựa không rõ nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, mà vẫn giữ cách làm từ các nguyên liệu cơ bản, ít độc hại mà đời trước truyền lại. Ảnh: Việc dùng súng bắn ghim để bọc mặt trống thay cho đinh vầu, đinh tre...giúp nhẵn nhụi hơn, tránh xước chân tay người dùng. |
Người dân nơi đây chia sẻ, nghề thủ công tại đây chỉ ưa về nắng, nếu như mưa nhiều sẽ bị mốc. Ảnh: Người thợ lắp ghim vào súng. |
Những chiếc trống Trung thu Ông Hảo, mặt trống làm từ da trâu, tang trống làm từ gỗ bồ đề phơi khô kiệt, sơn một lớp sơn đỏ bên ngoài; mặt nạ giấy bồi Ông Hảo được làm từ giấy, hồ dán bột sắn, sơn màu tổng hợp vẽ lên phơi khô; tương tự như với mặt hàng đầu lân. Ảnh: Các loại sơn được sử dụng trong sản xuất đồ chơi nơi đây. |
Những người dân nơi đây không chỉ muốn khôi phục những giá trị "vang bóng một thời", giữ gìn văn hóa truyền thống mà còn luôn nâng cao và đổi mới sản phẩm như sản xuất ra được đẹp mà còn phải cố gắng phát triển các mặt hàng của mình sao cho bắt mắt với các đối tượng khách hàng nhí, đồng thời cạnh tranh được với các mặt hàng ngoại nhập. Ảnh: Các loại mặt nạ rất đa dạng. |
Ví như việc thay đổi trong việc căng mặt trống bằng bắn ghim sẽ nhẵn nhụi hơn, nhanh hơn so với ngày xưa chỉ sử dụng đinh vầu, đinh tre đóng mặt trống. |
Nhìn chung mỗi loại đồ chơi như mặt nạ đều có nhiều kiểu, mỗi gia đình đều sản xuất tới 3 kiểu mặt nạ thỏ, 2 kiểu mặt nạ mèo, 2 kiểu mặt nạ chuột… Bên cạnh đó, những chiếc mặt nạ giấy bồi trắng, chưa sơn còn là sân chơi để các khách hàng có thể thỏa sức sáng tạo, tự trang trí chiếc mặt nạ cho mình. |
Giá những loại đầu lân rất đa dạng, loại nhỏ không gắn đèn có giá khoảng 30.000 đồng- trên 40.000 đồng, loại có gắn đèn giá từ 60.000 đồng đến 900.000 đồng, thậm chí có loại cả triệu đồng để khách hàng lựa chọn theo túi tiền của mình. |