vov_9__lznj.jpg

Cứ mỗi dịp Trung thu về, lão nông Vũ Văn Sinh lại tất bật cùng gia đình làm những chiếc đèn kéo quân truyền thống để vừa đáp ứng nhu cầu của người dùng vừa “giữ lửa” cho văn hóa truyền thống đang dần mai một. Ảnh: Trục quay được gắn vào đèn truyền thống.

Ông Vũ Văn Sinh (thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi bắt đầu làm đèn lồng từ năm 8 tuổi và duy trì nghề cho đến nay. Nhu cầu của khách hàng thay đổi theo từng năm. Trẻ con bây giờ không còn hứng thú với đèn kéo quân nhiều như trước, nhưng cứ gần đến Tết Trung thu (rằm tháng 8) tôi lại làm đèn truyền thống để giữ nghề và tưởng nhớ cha ông”. Ảnh: Nghệ nhân kiểm tra hệ thống trục quay.

Ông Sinh năm nay gần 60 tuổi và có hơn 30 năm gắn bó với nan tre, giấy bóng hay trục quay... Ở làng Đan Viên thuộc xã Cao Viên này, chỉ có gia đình ông Sinh theo nghề làm đèn kéo quân truyền thống. Ảnh: Các hình thù được cắt, dán thủ công gắn vào đèn kéo quân truyền thống.
Để làm ra chiếc đèn kéo quân truyền thống, khâu làm trục và tán quay cho đèn là khó nhất, trục làm từ tre vót mảnh, vừa đủ nhẹ để có thể quay, vừa đủ cứng để treo hình không bị đổ. Khung tre sẽ được cuốn bằng giấy poluya. Người làm phải dùng keo cố định giấy xung quanh khung, chỉ đề chừa ra một ô để chỗ cho nến, tản đèn. Ảnh: Nguyên liệu chính làm đèn kéo quân truyền thống là tre và gỗ.
Theo ông Sinh, làm đèn kéo quân này cần nắm được“bí kíp” được đúc kết từ bao đời nay. Với nửa đời người làm nghề, ông đã rất thuần thục. Tuy nhiên, cũng như bao mặt hàng đồ chơi dân gian khác, đèn kéo quân truyền thống đang dần mai một do giá trị kinh tế đem lại không cao. Ảnh: Trục quay trong đèn truyền thống được làm bằng giấy và nan tre.
Một ngày, người lành nghề như ông Sinh cũng chỉ làm được khoảng 2 chiếc đèn nhỏ, đèn to thì mất đến 3 - 4 ngày. Đèn nhỏ có giá khoảng 150.000 đồng; đèn to có giá tiền triệu hay cả trăm triệu nhưng không nhiều người đặt. Ảnh: Những chiếc đèn truyền thống có kích thước nhỏ được nhiều người ưa chuộng.
"Nếu trừ đi chi phí ngày công thì chỉ được hơn 100.000 đồng tiền lời, rất khó để cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Nhưng chúng tôi muốn giữ lại nét văn hóa cổ truyền nên vẫn làm, dù không đạt công so với những nghề khác", ông Sinh chia sẻ. Ảnh: Những chiếc đèn truyền thống có kích thước lớn.
Những năm gần đây, đơn đặt hàng rất ít, không chỉ vậy, theo ông Sinh chia sẻ, mỗi dịp Trung thu về các mặt hàng đồ chơi Trung Quốc lại được dịp tràn về, lấn át các mặt hàng truyền thống Việt Nam, khiến ông buộc phải tìm cách cải tiến sản phẩm của mình để bắt kịp với thời đại. Ảnh: Ông Sinh thử đèn truyền thống sau khi hoàn thành.
Ở làng Đàn Viên, lũ trẻ vẫn thường hay chơi đèn kéo quân dịp Trung thu. Ảnh: Những em nhỏ trong làng đến tận nhà ông Sinh mua đèn truyền thống.
Năm nay, ông Sinh đã có ý tưởng làm chiếc đèn kéo quân mới mà ông tạm gọi đó là “đèn 3D” hay “Siêu đèn kéo quân”. Ảnh: Quá trình lắp ráp đèn kéo quân mới.

Nhiều người cho là ông Sinh táo bạo, hoặc "dở người" khi chi đến 300 triệu đồng đầu tư làm những "siêu đèn kéo quân” vào thị trường. "
Tôi thấy, tâm lý người tiêu dùng ngày nay thích chơi những món đồ bền, đẹp và rẻ. Chiếc đèn kéo quân truyền thống mặc dù rất đẹp nhưng không thể đáp ứng được người tiêu dùng do làm bằng giấy và dễ bị cháy do gió tạt". - ông Sinh nói. 
Ảnh: Đèn cải tiến lấy năng lượng điện qua đế đèn.
“Siêu đèn kéo quân” làm bằng mica và chạy bằng điện. Đèn có hình dáng tương đối giống với chiếc đèn kéo quân truyền thống, những hình ảnh hiện ra trên chiếc đèn khá rõ ràng và có màu, đèn không dùng hơi lửa để xoay mà dùng mô-tơ. Ảnh: Đế điện đang được lắp vào đèn cải tiến.
Đối với gia đình ông Sinh, đây là ý tưởng táo bạo nhất trong sự nghiệp làm đèn kéo quân, khi đã chi tới 300 triệu đồng để mua nguyên liệu từ khắp mọi nơi, có cái phải nhập từ tận Singapore. Ảnh: Nghệ nhân cắt thủ công những hình ảnh bên trong đèn kéo quân cải tiến.
Do quá trình chuẩn bị nguyên liệu khá tốn thời gian, bắt đầu từ cuối tháng 7 đầu tháng 8 gia đình ông mới sản xuất ra những chiếc “Siêu đèn kéo quân”. Để làm kịp cho mùa trung thu, gia đình ông đã phải huy động tới gần 20 nhân lực làm ngày làm đêm. Ảnh: Nghệ nhân đang cắt những tấm nhựa được nhập từ Singapore về.
Mọi người hợp lực làm sẽ được khoảng 500 chiếc, đến Rằm tháng 8 có thể làm tới 5.000 chiếc. Vừa làm, ông Sinh vừa “chào hàng”  đến tất cả các siêu thị trong thành phố với số lượng khoảng 100 cái; ngoài ra đèn còn được giao đến một số cửa hàng trên phố cổ, đặc biệt là Hàng Mã để kịp mùa trung thu. Ảnh: Quá trình gắn keo vào đèn cải tiến làm tăng thêm độ bền cho đèn.
Mức giá khởi điểm cho chiếc “Siêu đèn kéo quân” khoảng 120.000 đồng - 150.000 đồng/ chiếc. Theo ông Sinh, năm nay, nếu được thị trường chấp nhận thì năm sau ông sẽ làm với số lượng nhiều hơn và cải tiến mẫu mã đa dạng, bắt mắt hơn nữa. Ảnh: Rất đông nhân công làm tại nhà ông Sinh để lắp ráp đèn cải tiến.
Theo ông Sinh, những chiếc đèn kéo quân cải tiến này nếu chơi xong và bảo quản cẩn thận thì có thể dùng được 4 - 6 năm. Ảnh: Hàng loạt đèn kéo quân cải tiến được sản xuất, sẵn sàng giới thiệu ra thị trường.
Mặc dù không nhiều người tìm mua đèn kéo quân nhưng vợ chồng ông Sinh vẫn vui vẻ và sẵn sàng truyền nghề cho những ai có hứng thú. Ảnh: Đèn cải tiến sau khi hoàn thành với ánh sáng, năng lượng dùng bằng điện.