Ngày 30/4/1975, trong đội hình đại quân thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn, các chiến sĩ Lữ đoàn 203 của ta đã dũng mãnh lái xe tăng thọc sâu vào Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của Ngụy quyền Sài Gòn, cắm cờ Chiến thắng và bắt giữ toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới và tay sai ở miền Nam Việt Nam. 35 năm sau, các chiến sĩ xe tăng anh hùng năm xưa trở lại Sài Gòn, nay là TP HCM, thăm lại chiến trường xưa, trong vòng tay trìu mến của đồng bào, đồng chí.
Sân bay Tân Sơn Nhất, buổi chiều một ngày tháng Tư đầy nắng với không khí sôi động kỷ niệm 35 năm ngày Chiến thắng lịch sử 30/4. Đã có một cuộc đón tiếp thật giản dị và xúc động do Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Việt Nam kết hợp với Hội trường Thống Nhất dành cho các cựu chiến sĩ xe tăng 390 và 843 thuộc lữ đoàn 203. Họ từ miền Bắc vào thăm lại thành phố.
Nếu đủ mặt thì 2 kíp xe phải là 8 người, rất tiếc trong số 4 người của kíp xe 843 thì một người đã mất, một người bị tai nạn hy hữu không vào được. Vậy là chỉ có 6 cựu chiến sĩ đi cùng các phu nhân. Trong đó, kíp xe 390 gồm đủ 4 anh: Vũ Đăng Toàn - nguyên Trung úy, trưởng xe; Nguyễn Văn Tập - nguyên Trung sĩ lái xe; Ngô Sĩ Nguyên - nguyên Trung sĩ, pháo thủ số 1; Lê Văn Phượng - nguyên Đại đội phó kỹ thuật, pháo thủ số 2. Kíp xe 843 có hai anh là Bùi Quang Thận - nguyên Trung úy, trưởng xe; Nguyễn Văn Kỷ - nguyên Hạ sĩ, pháo thủ số 2.
Hồi 11h30 trưa ngày 30/4/1975, xe tăng 390 do Trung úy kíp trưởng Vũ Đăng Toàn chỉ huy đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập, dẫn đầu đoàn chiến xa giải phóng tiến vào khuôn viên Dinh. Trung úy kíp trưởng xe tăng 843 Bùi Quang Thận đã xông lên nóc dinh cắm cờ chiến thắng, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn.
Đại úy Vũ Đăng Toàn, nguyên Trung úy, chỉ huy xe tăng 390, chính trị viên đại đội 4, tiểu đoàn 1, lữ tăng 203, quân đoàn 2 kể lại: “Trưa ngày 30/4, khi đến trước cổng Dinh, tôi ra lệnh cho đồng chí Tập tông thẳng vào cổng Dinh, tiến vào trong sân. Khi thấy Đại đội trưởng Thận từ xe 843 cầm cờ chạy ra tôi liền cầm súng chạy theo hỗ trợ, xông thẳng lên dinh để cắm cờ”.
Nhiều chi tiết của trận đánh cuối cùng của các anh cũng được hồi tưởng rất thú vị. Trả lời thắc mắc vì sao anh Lê Văn Phượng, lúc đó là Đại đội phó kỹ thuật mà lại phải kiêm pháo thủ số 2 cho xe 390, anh Toàn cho biết đó là ở trận đánh vào căn cứ Nước Trong trước đó, đồng chí pháo thủ số 2 bị thương, nên anh Phượng vào thay. Rồi khi thấy xe 843 bị vướng trước cổng phụ vào Dinh, anh Toàn đã quyết đoán ra lệnh cho lái xe Nguyễn Văn Tập tông thẳng vào cổng chính của Dinh, mở toang cánh cửa cuối cùng vào sào huyệt kẻ thù, tạo điều kiện cho đoàn xe tăng ta tràn vào sân Dinh, bắt giữ toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn.
Cứ thế, bên những con ngựa sắt 390 và 843 năm xưa, các anh bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm không bao giờ quên trong những ngày tháng Tư rực lửa 35 năm trước ấy. Đó là lý do dễ hiểu vì sao mà vừa ra khỏi sân bay, các anh đã nôn nóng bày tỏ nguyện vọng về ngay Dinh Độc Lập.
Lần trở lại này, các cựu binh xe tăng sẽ tham gia các hoạt động lớn của Hội trường Thống Nhất, như tham dự lễ khai mạc phòng trưng bày chuyên đề: Từ Hiệp định Paris đến chiến dịch Hồ Chí Minh; giao lưu với các em học sinh dự thi tìm hiểu chiến dịch Hồ Chí Minh và di tích Dinh Độc Lập; thăm Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Việt Nam ...
Đại tá Bùi Quang Thận, nguyên Trung úy, trưởng xe tăng 843, Đại đội trưởng đại đội 4, tiểu đoàn 1, lữ tăng 203, quân đoàn 2 cho biết: “Mỗi lần vào thăm thành phố, lần gần nhất là Tết Nguyên đán Canh Dần vừa rồi, tôi thấy thành phố đổi mới và đi lên từng ngày, cả về kinh tế, văn hoá...”.
Đã qua rồi những năm chiến trận. Trong không khí thanh bình hôm nay ở Thành phố mang tên Bác, các cựu chiến binh và người thân sẽ có dịp chứng kiến sự đổi thay của thành phố, chia sẻ niềm vui và tự hào với đồng chí, đồng đội, những người đã đi suốt cuộc chiến tranh 35 năm đến ngày toàn thắng./.