Cuộc gặp gỡ với nữ anh hùng Hoàng Thị Nở (35 Bà Triệu, TP. Huế) với những câu chuyện xúc động về một thời lửa đạn của 11 cô gái huyền thoại trong tiểu đội du kích Sông Hương đã để lại những ấn tượng thật đặc biệt trong tôi.

Tiểu đội nữ anh hùng

anh-111.gif
Nữ du kích Hàng Thị Nở
Trong chuyến công tác tại Huế, một người bạn của tôi ở đó đã kể cho tôi biết bao câu chuyện về Huế, trong đó, có câu chuyện xúc động về 11 cô gái Sông Hương. Cảm phục và tự hào trước tinh thần quả cảm của những nữ anh hùng này, tôi đã cùng anh tìm gặp bà Hoàng Thị Nở - một trong 11 cô gái huyền thoại ấy.

Sau hồi vòng vèo trong những con phố nhỏ, anh dẫn tôi đến một ngôi nhà nhỏ nằm khuất trong hẻm sâu ở phố Bà Triệu. Ra đón chúng tôi là người phụ nữ gầy, giản dị, âm thầm với mái tóc quấn hờ. Khi được hỏi về những kỷ niệm của một thời máu lửa cùng với những đồng đội của mình, bà Hoàng Thị Nở cười hiền, nhìn xa xăm bảo: “Do bị thương ở đầu nên có những cái tôi nhớ, tôi quên. Nhưng chuyện ngày ấy thì tôi không bao giờ có thể quên được, nó chỉ như vừa xảy ra ngày hôm qua…”.

Bà kể, tiểu đội 11 cô gái Sông Hương ngày trước là tiểu đội dân quân Thiên Thuỷ của xã Thuỷ Thanh, huyện Hương Thuỷ, với các thành viên chỉ ở tuổi mười tám, đôi mươi. Trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968), tiểu đội được cấp trên giao nhiệm vụ dẫn đường đưa bộ đội vào tấn công các mục tiêu của địch phía bờ nam thành phố Huế.

Bà Nở xúc động nhớ lại, vì là lần đầu tiên giáp mặt với kẻ địch nên chị em trong đội ai cũng hết sức lo lắng, mọi người phải động viên nhau và coi kẻ thù chỉ như những tấm bia tập bắn mà thôi. “Chúng tôi đa phần khi hoạt động cách mạng đều giữ bí mật ngay cả với người gia đình nên ít khi được chia sẻ. Chúng tôi thường động viên nhau phải cố gắng vượt qua những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao. Chúng tôi phải đóng nhiều vai như người bán hàng rong, mò cua bắt ốc, đưa thư… để tiếp cận được với địch, từ đó nghiên cứu những mặt mạnh, mặt yếu của lực lượng địch. Sau đó tìm đường đi lối về thích hợp dẫn đến các mục tiêu của chúng...”, rót chén trà mời khách, Bà Nở kể.

Sau khi đã nghiên cứu, bàn bạc kỹ chiến thuật đánh, đêm 30 Tết, tiểu đội 11 cô gái Sông Hương theo 3 cánh quân tiến vào thành phố. Tiếng súng tấn công, nổi dậy của quân và dân thành Huế nổ vang trời. Mỹ ngụy không kịp trở tay. Quân và dân ta đã làm chủ thành phố.

Tiểu đội nữ anh hùng

Tuy nhiên, với lực lượng đông đảo gồm cả xe tăng, thiết giáp, máy bay, địch đã điều quân từ Phú Bài đổ lên, nhằm dập tắt “phong trào nổi dậy ở Huế”. Trước tình hình đó, các nữ du kích Sông Hương vừa làm nhiệm vụ dẫn đường, vừa tải thương và trực tiếp cầm súng đánh giặc.

Chiến đấu trong bối cảnh không chiến hào, lực lượng lại mỏng nên các chị đã phải bám vào nhà dân để đánh địch. 5 giờ 30 phút ngày 12/2/1968, 10 chiếc xe tăng cùng một tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến địch tấn công vào khu vực tiểu đội chốt giữ tại Xuân Phú, chợ Cống. Tiểu đội du kích Thiên Thuỷ cùng bộ đội đã chiến đấu liên tục gần 20 ngày đêm giữa lòng thành phố.

Trận đánh xuân Mậu Thân là trận đánh không thể nào quên của chị và những đồng đội nữ anh hùng. Bốn đồng chí đã nằm xuống giữa phố phường khi đang ở tuổi thanh xuân, đó là các chị Hoàng Thị Sáu, Đỗ Thị Hoa, Hoàng Thị Xuân và Nguyễn Thị Diên.

“Bốn đồng chí của tôi ngã xuống khi tuổi đời chỉ 17 -18 và thậm chí chưa một “mảnh tình vắt vai”. Xuân ấy, Huế lạnh tê tái”, bà Nở nghẹn ngào.

Sau trận chiến, nhận được lệnh của chỉ huy, tiểu đội rút về Thủy Thanh để hoạt động. Tiểu đội du kích 11 cô gái Sông Hương được Bác viết tặng bài thơ:

Dõng dạc trong tay khẩu súng trường

Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường

Bác khen các cháu dân quân gái

Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương…

Trở lại đời thường

Được Bác Hồ động viên, tiểu đội 11 cô gái Sông Hương càng có thêm động lực, quyết tâm chiến đấu dũng cảm. “Sau Mậu Thân, tiểu đội của chúng tôi được đổi thành trung đội Võ Thị Sáu. Sau đó, năm 1969, cả đơn vị được ra Bắc an dưỡng. Trước khi đi, ai cũng háo hức mong được một lần gặp Bác, vậy mà đang trên đường ra lại nghe tin Bác mất, khiến chị em ai nấy đều ôm chặt lấy nhau khóc ròng…”.

Sau ngày giải phóng, bà Hoàng Thị Nở và những đồng đội còn sống mỗi người một vị trí công tác, mỗi người mỗi hoàn cảnh. “Ngày giải phóng, thời gian sau, tôi cũng tìm được hạnh phúc của riêng mình khi gặp chồng tôi bây giờ. Anh ấy cũng là lính Trường Sơn, người cùng xã, là thương binh nặng. Hai cô con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn ra đời càng khiến niềm hạnh phúc của tôi thêm trọn vẹn… ”, bà Nở vui vẻ kể.

Nói rồi, bà bỗng nhiên ngưng lại, lặng lẽ bước đến chiếc tủ cũ kỹ, lấy ra chiếc túi xách bạc màu với nhiều kỷ vật, tư liệu, những hình ảnh về tiểu đội du kích nữ năm xưa. Bà cười tươi, nhưng mắt ngấn lệ, chậm rãi nói: Đây là cái Hoa, cái Diên, cái Sáu, cái Xuân khi còn sống. Đây là cái Xê, đứa bạn thân nhất trong tiểu đội của tôi giờ đang ở thị xã Tam Điệp, Ninh Bình; cái Mừng là y sỹ đã nghỉ hưu, nay sống ở TP. Hồ Chí Minh; cái Hợi về làm ruộng ở Phong Điền; cái Bảy ở Quãng Ngãi, giờ đang sống rất khó khăn vì hai vợ chồng đều bị thương rất nặng…

Những người trong tiểu đội ngày xưa, bây giờ mỗi người mỗi cảnh. Vài năm chúng tôi mới có điều kiện gặp nhau, nhưng lần nào cũng khóc. Song ai nấy đều động viên nhau sống mẫu mực và làm gương cho con cháu, sao cho xứng đáng là những nữ du kích anh hùng./.

Sau Mậu Thân, tiểu đội của chúng tôi được đổi thành trung đội Võ Thị Sáu. Sau đó, năm 1969, cả đơn vị được ra Bắc an dưỡng. Trước khi đi, ai cũng háo hức mong được một lần gặp Bác, vậy mà đang trên đường ra lại nghe tin Bác mất, khiến chị em ai nấy đều ôm chặt lấy nhau khóc ròng…/.

Bà Hoàng Thị Nở là 1 trong số 11 cô gái du kích Sông Hương được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” (năm 2009). TP. Huế cũng xây đài tưởng niệm ghi công tiểu đội nữ du kích Sông Hương tại phường Xuân Phú - nơi gắn với những chiến công của họ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ…