Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính gần 96.000 hộ dân ở các tỉnh, thành phố gồm: Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An, Trà Vinh đang khó khăn về nước nguồn sinh hoạt do hạn mặn.

nuoc_ngot_tg_2read_only_15845839898452123509828_emam.jpg
Bà con Tiền Giang xếp hàng nhận nước ngọt miễn phí.

Báo cáo của các địa phương cho thấy, mặc dù phạm vi ảnh hưởng của mặn xâm nhập năm nay cao hơn nhưng số hộ thiếu nước sinh hoạt thấp hơn 114.000 hộ so với thời điểm hạn mặn diễn ra vào năm 2015-2016.

Theo Tổng cục Thủy lợi, trong tháng 3, mặn xâm nhập tiếp tục lên cao nhưng thấp hơn so với đợt mặn xâm nhập trong khoảng thời gian từ ngày 8/2 đến ngày 16/2.

Dự báo, từ nay đến giữa tháng 4, mặn xâm nhập vẫn ở mức cao nhưng sẽ ở mức thấp hơn so với đợt mặn xâm nhập cao điểm giữa tháng 2. Từ nửa cuối tháng 4 trở đi, mặn xâm nhập ở vùng các cửa sông Cửu Long khả năng sẽ giảm nhanh và đến đầu tháng 5, mặn xâm nhập ở vùng các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn sẽ bắt đầu giảm….

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý: “Đây là vấn đề dự báo, đề nghị các địa phương theo dõi sát tình hình, đặc biệt là dự báo của các cơ quan khoa học để chúng ta ứng phó và có giải pháp phù hợp. Bởi vì trước diễn biến bất lợi của thời tiết, khí hậu, đặc biệt là biến đổi khí hậu thì thời tiết bất thường, cần phải theo dõi sát để chủ động phòng tránh, cũng không là xem nhẹ là thời gian tới là hạn mặn sẽ giảm bớt”./.