Tại TP HCM trong vòng chưa đầy 2 tháng đã có 2 ca tử vong do sốt xuất huyết, cho thấy bệnh này đang có những biến chứng hết sức nguy hiểm. Hiện sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh nên người dân cần nâng cao ý thức phòng tránh, không thể lơ là.

sot_xuat_huyet_akrt.jpg
Số ca bệnh sốt xuất huyết gia tăng ở TP HCM

Tại Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, chúng tôi ghi nhận có gần 70 trẻ đang điều trị sốt xuất huyết, trong đó biến chứng nặng chiếm 10%. Đa số bệnh nhi trong độ tuổi từ 5 - 10.

Anh Nguyễn Ngọc Sinh, tạm trú ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân chăm sóc con nhỏ đang điều trị sốt xuất huyết cho biết: “Nửa đêm thấy bé nóng lạnh sốt. Cho đi khám bác sĩ tư nhưng tưởng là viêm họng hay gì đó vì trẻ con mà. Sau vài ngày mới thấy xuất huyết, xét nghiệm thì mới biết sốt xuất huyết. Hôm qua còn ói và tiêu chảy nữa, nên phải chuyển vào phòng này để truyền dịch, vì bị nặng rồi”.

Theo Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, bệnh sốt xuất huyết thường kéo dài 7 ngày, nhưng nguy hiểm nhất là giai đoạn từ thứ 3 đến ngày thứ 6, vì ở giai đoạn này rất dễ xảy ra sốc sốt xuất huyết. Đây là thời điểm mà nhiệt độ bắt đầu có khuynh hướng giảm, điều này có thể gây chủ quan cho các bậc phụ huynh, tưởng rằng bệnh đang thuyên giảm và có thể tự khỏi, không để ý, bệnh sẽ trở nặng.

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo: “Nếu thấy em bé giảm sốt mà mệt mỏi nhiều hơn, đau bụng, có nhiều dấu hiệu xuất huyết bất thường trên cơ thể, như từng chấm sốt xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi, chảy máu răng, ói hoặc đi cầu ra phân đen, nếu bé gái dậy thì có sự xuất huyết âm đạo bất thường. Kèm theo tay chân lạnh vật vã thì phải nhanh chóng đưa ngay đến bệnh viện gần nhất”.

Còn tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Nhi đồng 1, hai ca sốt xuất huyết sốc nặng vừa được cấp cứu qua nguy kịch sau quá trình điều trị.

Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết: Trước Tết Nguyên đán, khoa cũng đã cứu kịp thời một bệnh nhi ở huyện Củ Chi (TP HCM), 12 tuổi có cơ địa béo phì nhập viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết Dengue nặng. Bệnh nhi phải điều trị tại đây gần 1 tháng với nhiều biện pháp hiện đại nhất như: thở máy, chống sốc, truyền albumin, lọc máu.. và dùng thêm các thuốc trợ gan vì bị suy gan rất nặng. May mắn là bệnh nhi đã qua khỏi để đón Tết. Sắp tới bệnh nhi sẽ còn phải tái khám để kiểm tra lại tình trạng gan.

Theo bác sĩ Quang, sốt xuất huyết nếu phát hiện sớm sẽ điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn, tránh các biến chứng nặng gây ra nguy kịch cho tính mạng: “Biến chứng nặng của sốt xuất huyết là có thể gây rối loạn đông máu, chảy máu, xuất huyết tiêu hóa; có thể gây tình trạng trụy tim mạch, tức là gây sốc, đây cũng là nguyên nhân quan trọng gây tử vong. Ngoài ra sốt xuất huyết còn dẫn đến suy tạng và các cơ quan khác, ví dụ như suy hô hấp, suy gan suy thận hoặc tổn thương não”.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố có 6.067 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia cho biết, bệnh sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua muỗi vằn Aedes aegypti hút máu. Muỗi vằn Aedes aegypti phát triển ở nền khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm. Với khu vực có mật độ dân cư đông đúc, tốc độ đô thị hóa cao như TPHCM sẽ làm tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết từ muỗi vằn Aedes aegypti.

Do sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh, nên ngành y tế khuyến cáo cần diệt nguồn lây truyền bệnh như: diệt lăng quăng, diệt muỗi, thực hiện đậy kín dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Người dân chú ý thay nước ở các bình hoa, thả muối vào chén nước kê chân chạn, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.../.