Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2019 đến nay, Đồng Nai ghi nhận hơn 500 ca mắc bệnh sởiphải nhập viện điều trị, trong đó có những ca biến chứng nặng. Cùng thời điểm này năm ngoái, Đồng Nai không có ca mắc bệnh sởi nào.

vov_111_qiar.jpg
 
Trong số các ca mắc thì phần nhiều là bệnh nhân chưa tiêm phòng sởi, có trẻ chưa tới tuổi tiêm nhưng cũng có trẻ đủ tuổi nhưng chưa tiêm. Đáng chú ý có nhiều trường hợp người lớn cũng mắc sởi.Năm 2018 vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã chi 400 triệu đồng mua vaccine ngừa sởi tiêm chủng miễn phí cho tất cả trẻ từ 1 đến 14 tuổi trong toàn tỉnh. Trong 2 đợt tiêm vét năm 2018, đã có khoảng 200.000 liều vaccine sởi được tiêm bổ sung.Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng nhanh chóng. Nguyên nhân được cho là do tỉnh có nhiều dân nhập cư nên khó kiểm soát, bên cạnh đó là nhận thức của một số người chưa đầy đủ nên không cho trẻ đi tiêm ngừa.
 
Bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết: "Rõ ràng là không có tiêm chủng thì không có miễn dịch, không phòng ngừa được. Cho nên cách tốt nhất bây giờ là khuyến cáo người dân, kể cả chưa tiêm hoặc là không nhớ được lịch tiêm chủng của mình thì phải đi tiêm để phòng ngừa, không có cách nào khác được. Chúng ta có vaccine mà không sử dụng nó thì đó là trách nhiệm của chúng ta".

Các bác sĩ khuyến cáo, để tạo miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi bệnh sởi thì phải tiêm chủng, do đó người dân cần nâng cao nhận thức, cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ. Ngoài ra các bà mẹ trước khi mang thai cũng nên tiêm ngừa sởi – rubella để tạo kháng thể cho trẻ khi được sinh ra. Bên cạnh đó cần chú ý giữ vệ sinh cho trẻ nhỏ, vệ sinh môi trường, hạn chế đưa trẻ đến chỗ người bệnh; khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt, chảy nước mũi, phát ban nên đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời./.