Tin giả trong thời điểm cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, không chỉ gây hoang mang cho người dân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chống dịch của cơ quan chức năng.
Chia sẻ tin giả dù vô ý cũng là hành động phá hoại
Khi các mạng xã hội du nhập vào Việt Nam, người dân có thêm kênh để tiếp nhận thông tin đa dạng hơn, song, kèm với đó là không ít thông tin không có nguồn gốc, không được kiểm chứng, thậm chí tin giả chỉ nhằm mục tiêu tăng tương tác hay đơn thuần thu hút sự chú ý của mọi người ngày càng nhiều hơn.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, đặc biệt là trong đợt bùng phát dịch thứ 4, trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube… xuất hiện rất nhiều tin giả. Một thông tin tiêu cực phát ra chỉ trong vài giây có thể tiếp cận đến hàng triệu người thông qua các lượt thích, chia sẻ trên các hội nhóm có nhiều thành viên, nhất là thông tin đó nếu được chia sẻ bởi một số tài khoản “nổi tiếng” thì hậu quả còn nặng nề hơn.
Mặc dù sau đó, lực lượng chức năng đã làm rõ thông tin là sai sự thật, có thể tìm ra và phạt cá nhân đăng tin giả, nhưng trong thời gian đó đã gây bao hoang mang, dao động trong lòng người dân, thậm chí có thể dẫn tới những hành động bộc phát do lo sợ quá độ, gây tổn hại cho nỗ lực phòng dịch của các cấp chính quyền.
Điều đáng nói là việc không ít người không cần kiểm chứng đã vô tư chia sẻ, “nhiệt tình” bình luận. Cùng với một số đối tượng lợi dụng các thông tin này để xuyên tạc chủ trương, chính sách của nhà nước về công tác phòng chống dịch.
Ví dụ, trường hợp một MC đăng trên Facebook cá nhân thông tin không chính xác về đội ngũ tình nguyện viên ở Hải Dương vào hỗ trợ TP.HCM chống dịch, vừa mới bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM xử phạt 7,5 triệu đồng.
Mới nhất, chiều 2/8, trên mạng xã hội nhiều người chia sẻ thông tin “Hà Nội siết quy định chỉ cho người dân được ra ngoài 7 ngày/1 lần”. Ngay lập tức, Sở TT&TT Hà Nội gửi thông tin đến tất cả người dân qua zalo cảnh báo đây là tin giả. Ngày 29/7, một tài khoản Facebook đăng thông tin “Giờ giới nghiêm của Hà Nội sẽ tính từ 18h tối nay…”. Thông tin này, ngay lập tức bị Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) xác định là tin giả và thông báo để mọi người cảnh giác… Hay trước đó một người phụ nữ trú tại quận Tây Hồ bị phạt 12,5 triệu đồng vì tung tin thất thiệt “Hà Nội lập 3.000 chốt”…
Hãy là người dùng mạng xã hội có trách nhiệm
Thống kê của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm; trung tâm này nhận được hơn 1.100 lượt báo cáo tin giả, với tổng số tiền phạt hành chính là 177 triệu đồng. Trong đó, những thông tin chủ yếu bị xử lý là tin giả liên quan đến Covid-19.
Theo đại diện Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, thuộc Bộ TT&TT, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân buộc phải giãn cách xã hội, thời gian ở nhà quá nhiều, gia tăng tương tác trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người dân.
Việc người dùng mạng xã hội đưa, chia sẻ thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội ngoài những người có chủ đích xấu còn có những người hành động một cách vô tư, thiếu hiểu biết chỉ vì buồn tay hay gia tăng tương tác cho tài khoản cá nhân… Điều này không chỉ gây hoang mang trong xã hội, trong thời điểm này cần phải xác định hành vi này là cố tình phá hoại các chính sách của nhà nước, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam.
Mới đây Bộ TT&TT vừa gửi công văn đến các bộ, ngành, địa phương có nội dung đề nghị các đơn vị triển khai hiệu quả Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ, tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 trên mạng.
Bộ TT&TT yêu cầu trong trường hợp bộ, ngành, địa phương phát sinh việc đột xuất, sự cố bất thường thì chậm nhất sau 2 giờ, kể từ khi phát sinh sự việc nên cung cấp thông tin ban đầu cho báo chí, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo và giải pháp xử lý bước đầu sự việc (nếu có).
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở TT&TT căn cứ thẩm quyền được giao xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, cá nhân đăng tải, phát tán tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang, hiểu lầm về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Thực tế, trong thời gian qua, những người cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thường bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt từ 7-12,5 triệu đồng.
Giới chuyên gia đánh giá mức phạt này là tương đối nhẹ so với khung quy định. Trong tình hình dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay, cần xử lý nghiêm khắc hơn đối với người lan truyền tin giả. Tùy vào từng hành vi, cơ quan có thẩm quyền cần mức áp dụng cao nhất của từng khung xử phạt.
Còn đối với mỗi người dân tham gia vào mạng xã hội cần tuân thủ bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Hãy là người dùng mạng xã hội có trách nhiệm, bởi tiếp tay cho tin giả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cả cộng đồng, trong đó có gia đình và bản thân mỗi chúng ta./.